Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Trại nấm mỡ triệu đô của đôi vợ chồng Việt kiều

Được Chính phủ Canada vinh danh là người trồng nấm mỡ số một, khi có tuổi, vợ chồng ông Tăng Thành Đức quyết định về Việt Nam và chọn xã N’thôn Hạ ở Lâm Đồng mở trại nấm kiểu mẫu để nông dân và doanh nghiệp học tập cách làm.
Ông Tăng Thành Đức và vợ là bà Huỳnh Thị Nghiêm định cư ở Canada năm 1981. Ông Đức vốn tốt nghiệp ngành cơ khí trước 1975. Với kiến thức chuyên môn sẵn có nên khi định cư ở Canada, ông Đức đi làm cho hãng  xe GMC, nhưng chỉ 4 năm sau ông bỏ việc chuyển qua trồng nấm mỡ và nhanh chóng trở thành nông gia số một tại đây trong lĩnh vực này.
Bà Huỳnh Thị Nghiêm cho biết, vợ chồng bà người gốc Sài Gòn, có chung với nhau 6 người con, nay đã trưởng thành và đều đang sinh sống tại Canada. Thời hoàng kim với nghề làm nấm của gia đình là vào những năm 1996-1997, lúc đó vợ chồng bà sở hữu 3 trang trại trồng nấm mỡ tại Canada, với diện tích gần 100 hecta. Lúc đó ông Đức là Chủ tịch Hội những người trồng nấm mỡ nổi tiếng Canada và được Chính phủ trao tặng danh hiệu người trồng nấm mỡ số một vì trang trại của gia đình đứng đầu về cả sản lượng và chất lượng.
trai-nam-mo-trieu-do-cua-doi-vo-chong-viet-kieu
Nấm mỡ, hay còn gọi là nấm trắng, có hình thù đặc trưng cả cuống và mũ nấm đều trắng toát và có hình tròn như nửa quả cầu, đường kính 3-8cm, ưa khí hậu mát mẻ, giai đoạn phát triển hệ sợi cần khoảng 24-28 độ C và giai đoạn ra nấm cần lạnh (từ 15 đến 18 độ C).
Ông Tăng Thành Đức tâm sự, trước đây vợ chồng ông thường về Việt Nam để làm từ thiện và đi chùa, bản thân ông nhận thấy nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng có phần hạn chế về trình độ phát triển. Từng đi rất nhiều nơi trong nước, nhưng cuối cùng ông chọn xã N’thôn Hạ, thuộc huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng để sinh sống. Nơi đây khá xa trung tâm huyện và dân cư phần lớn là người dân tộc bản địa nhưng có khí hậu mát mẻ, trong lành, yên bình và phù hợp để phát triển cây nấm mỡ.
Năm 2010, vợ chồng ông Đức tiến hành mua 5 hecta đất ở xã N’thôn Hạ, sau đó lập Công ty Hoa Sen và xin giấy phép đầu tư trồng nấm mỡ. Dự án được tỉnh Lâm Đồng ủng hộ vì trước đó nhiều công ty của Nhật và Đài Loan đã đầu tư trồng ở Lâm Đồng nhưng chưa thành công. Riêng ông nhận thấy, ở miền Bắc nông dân có làm nấm mỡ nhưng ở dạng thủ công nên chỉ tiêu thụ nội đia và khó được các thị trường lớn chấp nhận. Còn tại miền Nam gần như chưa có nơi nào sản xuất, trong khi thị trường nấm mỡ trên thế giới đang rộng mở.
"Canada đất rộng nhưng có chưa tới 30 triệu dân. Hội những người trồng nấm ở đây có trên 60 người chủ, mỗi ngày sản xuất ra hàng nghìn tấn, chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác", ông Đức nói và giải thích sở dĩ các nông gia tại đây tập trung phát triển cây nấm mỡ vì đây là loại nấm cao cấp, được các nhà hàng Mỹ ưa chuộng.
trai-nam-mo-trieu-do-cua-doi-vo-chong-viet-kieu-1
Ông Đức phải ghi chú các hướng dẫn cụ thể cho các công nhân vận hành máy.
Theo ông Đức, năm 2010, ông nhận được giấy chứng nhận đầu tư trồng nấm mỡ nhưng mãi đến tháng 7/2014, vợ chồng ông mới bắt tay vào sản xuất. Tỉnh Lâm Đồng có lúc tưởng vợ chồng ông không triển khai dự án nên nhiều lần đốc thúc và tham quan thực tế thì thấy công việc chuẩn bị trang trại vẫn rất tích cực. Trên thực tế, ông Đức chỉ muốn làm dự án này để chuyển giao mô hình và kỹ thuật vì khu sản xuất của ông hiện chưa tới 3.000m2, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với trang trại ở Canada. Với chuyên môn là một kỹ sư cơ khí, trong suốt 4 năm đó, ông Đức miệt mài làm việc, tự tay làm ra những chiếc máy công cụ và nhà xưởng bằng chính sắt thép mua tại địa phương.
Giai đoạn thi công nhà sản xuất nấm, ông Đức thuê thêm 3 thợ hàn phụ. Sau khi ông đo vẽ, ra sắt, thợ hàn cứ việc theo chỉ dẫn để thực hiện từng chiếc máy. Ông chỉ về Canada mua những chiếc đồng hồ đo nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, sức gió… và bộ điều khiển trung tâm, do đó giá thành giảm một nửa.
Theo tính toán của ông Đức, dây chuyền vận hành trại nấm của ông ở N’thôn Hạ tốn một triệu USD. Tuy nhiên, do diện tích cả khu sản xuất và chứa nguyên liệu chỉ rộng chưa tới 3.000m2 nên nhiều loại máy móc hoạt động chưa hết công suất. Hiện tại trại nấm sử dụng 4 lao động thường xuyên tại địa phương, sản lượng nấm đạt 10 tấn mỗi tháng, với giá bán tại trại là 100.000 đồng một kg. Ông Đức cho biết, sản lượng có thể đạt tới 15 tấn mỗi tháng mà chất lượng vẫn đảm  bảo nếu dùng các biện pháp kỹ thuật, nhưng do bạn hàng tìm đến ông chỉ chừng đó nên ông chưa tăng sản lượng.
"Vợ chồng tôi thực hiện dự án này với mục đích chuyển giao kỹ thuật, nên khi trại nấm đi vào hoạt động, nhiều bà con địa phương tới tham quan, tôi rất mừng và hy vọng họ sẽ làm theo được, nhưng thực tế không phải vậy. Để vận hành và biết cách làm đòi hỏi người trồng phải có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên vì cần phải xem được các bảng ghi chép, công thức hoá học, thành phần hoà trộn", ông Đức chia sẻ và cho biết thêm, ngay cả 4 công nhân của ông dù làm việc rất tốt, nhưng vẫn phải chỉ như học thuộc lòng khi vận hành hệ thống máy, còn đến khâu đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật thì họ không làm được.
Vì áp dụng công nghệ, nên công việc tại trang trại khá nhẹ nhàng, ông Đức và 2 công nhân có thể vận chuyển 60 tấn giá thể vào giàn trồng nấm trong thời gian chỉ một buổi, sau đó chỉ việc vận hành máy móc.
Theo nhận định của ông Đức, ở Việt Nam có nhiều nhà đầu tư dư vốn để thực hiện các dự án thế này, nhưng họ chưa thực sự đam mê, hoặc còn dè dặt về khâu kỹ thuật. Còn các hộ gia đình cũng khó liên kết thành tổ hợp để làm thành dự án công nghiệp công nghệ cao một cách bài bản. Thời gian trước, một đoàn ở Củ Chi lên tham quan và đề nghị chuyển giao kỹ thuật làm nấm rơm, nhưng ông Đức trả lời nấm rơm rất dể làm và cả nước đã làm, nên khuyên nên làm dự án nấm mỡ theo công nghệ Canada của ông. Dù đoàn Củ Chi rất tâm huyết và tiếp tục liên lạc một thời gian, cuối cùng phải dừng lại vì không có vốn…
Tiến sĩ Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng nhận định, trại nấm của ông Tăng Thành Đức là một trại nấm có kỹ thuật tiến tiến nhất ở Việt Nam hiện nay. Sản phẩm nấm ở đây không chỉ đạt tiêu chuẩn VietGap mà chất lượng tương đương với loại nấm mỡ sản xuất tại Canada đang được nhiều nước nhập khẩu
Riêng vợ chồng ông Đức cho biết, sở dĩ họ chọn Lâm Đồng để mở trại nấm, ngoài lý do khí hậu thích hợp, ở Đà Lạt còn có Viện nghiên cứu hạt nhân. Khi bắt tay vào làm, vợ chồng ông đã liên hệ với Viện để mua giống nấm mỡ có nguồn gốc Bắc Mỹ. Hiện mỗi tháng 2 lần, vợ chồng ông Đức lại lái xe 50km lên Viện để lấy giống nấm về gieo trồng, mỗi lần trên 300kg. Giá ở Viện hạt nhận giao là 40.000 đồng một kg. Còn tại Canada thì khâu này rất thuận tiện vì có nhiều công ty chuyên chung cấp giống chuyên nghiệp. Các chủ trang trại chỉ việc đặt hàng, báo ngày giờ cụ thể sẽ được giao hàng tận nơi.
Quốc Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét