Đó là anh Lê Hoàng Giang (SN 1978) và anh Nguyễn Văn Đế (SN 1970) cùng ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Cả hai anh đều là những nông dân bình thường, mỗi người có hoàn cảnh và trình độ học vấn khác nhau nhưng lại có chung niềm đam mê sáng tạo.
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông bằng chiếc xuồng máy đến tận cánh đồng xã Phú Cường, phóng viên được tận mắt chứng kiến chiếc máy vừa đào rãnh vừa lên liếp trồng hoa màu do anh Lê Hoàng Giang tìm tòi, nghiên cứu và sáng chế thành công. Nhìn chiếc máy đang hoạt động mà chúng tôi thầm thán phục.
Chiếc máy vừa đào đất lên thành một đường mương dài, vừa đắp đất lên hai bên thành hai liếp thẳng tắp, trông thật đẹp mắt. anh Lê Hoàng Giang cho biết: Sau khi học nghề cơ khí từ người thân ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, năm 2003, anh trở về quê nhà ấp Tân Cường, xã Phú Cường, mở cơ sở sửa máy và hành nghề cơ khí mang tên “Giang Phúc”.
Anh Giang đang điều khiển máy đào rãnh và lên liếp do anh sáng chế
|
Trong quá trình làm nghề, nắm bắt được chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh 2 vụ lúa 1 vụ màu và thiếu nhân công lao động, chi phí đầu tư của nông dân cao… nên vào năm 2013, anh Giang đã miệt mài tìm tòi, kẻ vẽ, thiết kế và tự sáng chế ra một chiếc máy đào đất chuyên dụng vừa nạo vét mương rãnh, đường nước nội đồng, vừa lên liếp cao ráo, bằng phẳng để phục vụ canh tác hoa màu, với kích thước đào mương rãnh chiều ngang 33cm, chiều sâu 35cm và lên liếp cao từ 10 - 15cm, chiều ngang trên dưới 90cm. Bình quân mỗi giờ máy sẽ đào rãnh và đắp đất lên 2 bờ liếp được 1.000m, tiêu tốn nhiên liệu khoảng 2 lít dầu…
Anh Giang vui vẻ bày tỏ: “Cái máy này, bộ phận của nó được tận dụng chân máy liên hợp, bộ phận chạy của nó bằng bánh xích rồi mình về nghiên cứu gắn vô cái bông trục để xới đất lên cho nhuyễn, cộng với một cái cày để lấy đất lên, với hai cánh hai bên để nó vẹt ra hai cái liếp cho nó đẹp... Là nó có 3 bộ phận.
Năng suất một ngày làm việc của nó bằng khoảng 40 nhân công. Bên cạnh đó còn tiết kiệm được phân nửa giá thành. Thí dụ như bây giờ giá thành của một công đất 1000m2 so với một công đào khoảng bảy trăm ngàn, nhưng tui làm chỉ khoảng 350.000 đồng, hay 320.000 đồng thôi, nó tiết kiệm được hơn phân nửa... ”.
“Nói có sách, mách có chứng”, hơn 2 năm nay, ông Tống Văn Tài ở ấp A, xã Phú Cường thường xuyên thuê anh Giang sử dụng chiếc máy đào rãnh, lên hai bờ liếp để canh tác hoa màu. Vụ mùa này, ông Tài tiếp tục thuê anh Giang cải tạo 12.000m2 đất ruộng lúa để trồng dưa hấu. Ông Tài chia sẻ: “Hồi đó, tôi làm rẫy mướn nhân công làm nó lâu lắm mà tốn nhiều tiền nữa. Bây giờ có máy này làm, nhẹ chi phí, làm rất ngon… bà con rất tâm đắc, kêu làm dữ lắm. Mười hai công này làm cỡ cứng một buổi thì xong. Hồi đó, đào mấy ngày mới xong, giờ làm mau lẹ dữ lắm”.
Để có được chiếc máy hoạt động hiệu quả thiết thực trên, anh Giang đã trải qua nhiều tháng ngày miệt mài thiết kế, hàn tiện, lắp ráp và đầu tư 200 triệu đồng vốn mua vật tư, nguyên liệu. Bên cạnh chức năng đào rãnh, lên liếp… chiếc máy trên còn có công dụng trộn phân bón để bón cho cây trồng thay nhân công… Anh Giang đang có ý định sản xuất thêm nhiều máy như vậy để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng anh Giang đang gặp khó khăn về vốn và muốn có được Bằng công nhận bản quyền sáng chế...
Anh Giang trả lời phỏng vấn
|
Anh Giang đề nghị: “Tới mùa vụ mình làm không kịp, ý tôi muốn làm thêm một cái máy nữa. Nhờ các ngành chức năng hỗ trợ cho tôi được cái bản quyền để có khả năng sau này tôi phát huy, làm ra nhiều sản phẩm để bán cho bà con xài. Và tôi cũng cần hỗ trợ vốn ưu đãi nữa”…
Chế tạo máy vì “tức khí” của nhà nông
Vượt hơn 20 km đến ngã năm kênh Hồng Kỳ, xã Phú Cường tìm tới mảnh ruộng nơi anh Nguyễn Văn Đế đang hướng dẫn nhân công điều khiển chiếc máy đào đất đắp bờ đê do anh mày mò, chế tạo thành công. Quan sát chiếc máy của anh Đế chế tạo, so với chiếc máy của anh Giang sáng chế, tuy hai chiếc máy có hai công năng khác nhau nhưng “mỗi máy một vẻ, mười phân vẹn mười”.
Qua trao đổi, anh Đế vui vẻ cho biết: Với kiến thức đã học được tại Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Cửu Long chuyên ngành cơ khí nông nghiệp khóa học 1986 - 1991, mới đây, vì “tức khí của nhà nông” do kêu nhân công không được nên anh Nguyễn Văn Đế (sinh năm 1970, ngụ ấp B, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã mày mò, chế tạo thành công chiếc máy đắp bờ ruộng lúa.
Giữa năm 2015, chiếc máy được chế tạo hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao. Nhiều người nghe tiếng đã thuê anh Đế đưa máy vào đào đắp bờ vùng, bờ thửa. So với thuê người làm ruộng thủ công thì máy này làm nhanh hơn rất nhiều, chi phí cũng ít tốn kém hơn.
Học xong đại học, anh Đế không xin việc làm mà ở nhà làm ruộng. Trong suốt thời gian canh tác lúa, do thiếu nhân công lao động, cực khổ vì tốn nhiều công sức đắp đê, be bờ, chi phí đầu tư cao… nên vào cuối năm 2014, anh Đế đã miệt mài nghiên cứu, thiết kế và tự sáng chế ra một chiếc máy đắp bờ thửa ruộng lúa.
Anh Đế chế tạo máy đào đất đắp bờ
|
Giữa năm 2015, chiếc máy hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hệ thống đào đất đắp bờ được anh chế tạo gắn vào phía sau chiếc máy cày. Khi vận hành, máy đào đất đắp bờ ruộng có chiều ngang 3 tấc, chiều cao từ 2,5 đến 3 tấc. Bình quân mỗi giờ máy sẽ đào đất đắp bờ được từ 800 - 1.000m, tiêu tốn nhiên liệu khoảng 1 lít dầu, giá thuê đào đắp mỗi mét từ 500 - 600 đồng…
Anh Đế vui vẻ chia sẻ: “Máy này gồm ba bộ phận chính. Bộ phận thứ nhất là cuốc mặt bờ, bộ phận thứ hai là đưa đất lên đắp bờ, bộ phận thứ ba là cán và ép bờ. Hiệu quả làm bằng máy so với tay thì rất cao. Máy này có thể chạy đắp một ngày từ 4.000 đến 6.000m. Trong khi đó, nhân công làm tay thì khoảng trên 10 người làm mới có được như vậy. Giá thành cũng rẻ hơn so với làm bằng tay…”.
Để có được chiếc máy hoạt động hiệu quả thiết thực trên, anh Đế đã trải qua nhiều tháng ngày miệt mài thiết kế, hàn tiện, lắp ráp và đầu tư trên 20 triệu đồng mua vật tư, nguyên liệu. Hiện tại, anh Đế đã chế tạo được 2 dàn máy đào đất đắp bờ ruộng, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân. Anh Đế đang tiếp tục đầu tư sản xuất ra thêm nhiều máy để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh Đế đang đề nghị các ngành chức năng xem xét cấp Bằng công nhận sáng chế chiếc máy trên.
Anh Lê Hoàng Giang và anh Nguyễn Văn Đế đã vinh dự được UBND huyện Tam Nông tặng Giấy khen và chọn báo cáo tham luận tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo trong lao động sản xuất năm 2015. Riêng anh Đế đã được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn trình bày chia sẻ kinh nghiệm chế tạo máy của mình tại Hội nghị Tổng kết đánh giá phong trào thi đua sáng tạo phục vụ phát triển Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đồng bằng sông Cửu Long vừa tổ chức tại Bạc Liêu.
(Theo báo Pháp luật)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét