Mục tiêu SEPHORA Việt Nam
Trong năm 2016, CEO Hoàng Nhị Khoa đã lên kế hoạch mở thêm 5 cửa hàng. Đây chỉ là một phần trong kế hoạch 30 cửa hàng mà muasammypham.com sẽ đạt được trong vòng 3 năm tới tại cả TP.HCM và Hà Nội.
Năng lượng trong sự hồi sinh lần thứ ba của muasammypham.com dường như chất chứa cả những gì chưa làm được từ hai lần trước đó. “Muasammypham.com đang đi theo mô hình SEPHORA. Tôi muốn phải làm được mô hình này”, Hoàng Nhị Khoa nói khi chia sẻ về các kế hoạch với mô hình trêm.
Nhà sáng lập muasammypham.com Hoàng Nhị Khoa |
Năm 2013, trong một lần du lịch tới Singapore, bước chân vào cửa hàng SEPHORA ở đây, Khoa đã suy nghĩ rất nhiều. SEPHORA là cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm làm đẹp của nhiều hãng mỹ phẩm uy tín hàng đầu trên thế giới, như Dior, Tarte, Channel, Nyx... Tính đến nay, doanh nghiệp này đã có hơn 1.700 cửa hàng trên toàn cầu.
“Trong khi đó ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào áp dụng mô hình này. Đa phần các hãng mỹ phẩm vào Việt Nam bán theo chuỗi cửa hàng của riêng. Tại sao vậy”, Khoa kể lại ý tưởng khi quyết định tham gia vào kinh doanh.
Có thể nói, tới thời điểm hiện tại, muasammypham.com là mô hình đầu tiên và duy nhất ở TP.HCM đi theo mô hình SEPHORA. Tại đây, khách hàng có thể lựa chọn trên 20 thương hiệu với 2.000 mặt hàng khác nhau, có mức giá từ vài chục ngàn cho đến vài triệu đồng. Tất cả đều là hàng được phân phối chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Khoa cho biết, khách hàng chủ yếu của muasammypham.com là nữ giới, có thu nhập trung bình khá trở lên và quan tâm đến sức khỏe. Trung bình một tháng, doanh thu của cửa hàng dao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.
“Sau khi trừ chi phí, thời điểm tốt nhất Công ty có lãi khoảng 3%”, CEO Khoa tính toán.
Hai lần thoát nạn
Tham vọng của ông chủ sinh năm 1988 chưa dừng lại ở đó. Dự kiến trong tháng 4/2016, hai cửa hàng ở quận Bình Thạnh và Tân Phú sẽ được mở cửa. Cũng trong năm nay, 3 cửa hàng đặt ở các quận trọng điểm của TP.HCM sẽ ra mắt.
“Các cửa hàng sau sẽ có doanh thu ít nhất là bằng cửa hàng hiện tại sau 6 tháng. Vì chúng tôi đã ổn định về quy trình vận hành, quản lý sau khi cửa hàng đầu tiên vận hành. Vấn đề còn lại là nhân rộng mô hình”, Khoa nói.
Cách đây hơn hai năm, vào sau Tết Nguyên đán năm 2014, Khoa không dám nghĩ như vậy. Lúc đó, thậm chí vị CEO này không biết có giữ được Công ty hay không sau khi ra mắt website muasammypham.com.
Khoa kể, Công ty mới, không uy tín, không lịch sử giao dịch, mọi nhà phân phối đều từ chối cho Katy nhập hàng về bán. Nếu không làm gì có nghĩa là sẽ không bao giờ có… lịch sử. Khoa quyết định đăng các sản phẩm có bán tại siêu thị và chợ lên website, có khách hàng đặt thì chạy đi mua, rồi tự mình đi giao hàng. Có lúc, CEO, đồng thời cũng là người giao hàng của muasammypham.com chạy từ quận 3 (TP.HCM) đến TP. Bình Dương chỉ để giao chai dầu gội chưa đếm 100.000 đồng. 8 giờ tối khách hàng đặt cũng đi giao.
Khách hàng và đơn hàng trong lịch sự giao dịch của muasammypham.com tăng lên từ từ, nhưng càng bán càng lỗ, vì hàng không phải lấy từ nhà phân phối, phải qua trung gian, đã vậy chi phí giao nhận cao, chiếm gần hết lợi nhuận.
“Tưởng chừng phải đóng cửa Công ty thì đến giữa năm 2014, Công ty Kỳ Phong, đơn vị phân phối thương hiệu Lenopearl gọi điện hợp tác phát triển mảng thương mại điện tử. Cú bắt tay với Kỳ Phong trở thành một dấu mốc để muasammypham hồi sinh. Từ đây, chúng tôi mở rộng thêm mối quan hệ với nhiều thương hiệu khác”, Hoàng Nhị Khoa kể.
Nhưng khó khăn mới lại xuất hiện. Có được nguồn hàng từ nhà phân phối, lợi nhuận được cải thiện, nhưng muasammypham.com lại đối diện với sự chao đảo về niềm tin với khách hàng. Bởi cùng một mặt hàng, hàng xách tay trôi nổi trên thị trường rẻ hơn một nửa. Có nhiều khách hàng cho rằng, Công ty kê giá cao để lời nhiều.
Cách chứng minh tốt nhất là công khai giấy tờ chứng minh giao dịch giữa Công ty và nhà phân phối. Khoa kiên quyết nói không với hàng xách tay, dù đó là giải pháp có thêm lợi nhuận cho cuộc chơi dài hơi, vì “niềm tin khó xây, dễ đổ”.
Nhưng đây cũng chưa phải là cách để Katy có thể đi xa như Khoa mong muốn. Vì cho tới lúc đó, muasammypham.com vẫn chỉ là một trang kinh doanh trực tuyến, trong khi mỹ phẩm là sản phẩm khách hàng muốn được dùng thử trước khi mua.
“Chúng tôi quyết định mở cửa hàng đầu tiên trong con hẻm khá lớn ở đường Cách mạng Tháng Tám, quận 3 (TP.HCM) vào tháng 8/2014. Nhưng cũng bởi vậy mà chi phí tăng đột biến, có tháng không đủ trả tiền mặt bằng và nhân viên. Katy và muasammypham.com lại chao đảo”, Khoa kể.
Lần thứ hai, cứu tinh lại đến đúng lúc. Tháng 11/2014, Deca.vn, sàn thương mại điện tử do Công ty 24h làm chủ đầu tư mở ngành hàng kinh doanh mỹ phẩm với điều kiện là hàng phải đảm bảo chính hãng. Muasammypham.com có đủ điều kiện.
Sau Deca.vn, muasammypham.com bắt tay hợp tác với Lazada.com, Mymall.vn, Batda.vn…
Nhờ lượng khách hàng lớn và các chương trình truyền thông hấp dẫn của các sàn thương mại điện tử này, doanh thu Công ty cải thiện rõ rệt, cao điểm đạt 500 đơn hàng/ngày, trung bình cũng trên dưới 100 đơn. Phần lớn doanh thu đến từ Deca.vn. Khoa thở phào khi Công ty thoát chết lần thứ hai.
Nhưng sự nhạy cảm sau hai lần thoát hiểm buộc Khoa phải nhìn xa hơn . Khi Công ty bắt đầu ổn định doanh thu, Khoa trích một phần đầu tư vào công nghệ để xử lý đơn hàng, quản lý hàng tồn kho hữu hiệu hơn. Song song, Công ty dời cửa hàng ra mặt tiền trên đường Cách mạng Tháng Tám vào tháng 8/2015.
“Kinh doanh không thể phụ thuộc vào một kênh bán hàng”, Khoa rút kinh nghiệm.
Sự chuẩn bị này không thừa. Deca.vn đột ngột đóng cửa hồi đầu năm 2016, doanh thu muasammypham.com tuy có sụt giảm theo, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe của Công ty do đã tự chủ được kênh bán hàng của mình.
Anh kỹ sư mê kinh doanh mỹ phẩm
Vóc dáng như một hậu vệ bóng đá, lại tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (Trường đại học Bách Khoa TP.HCM), nên quyết định kinh doanh mỹ phẩm của Khoa khiến nhiều bạn bè ngạc nhiên.
Nhưng với Khoa thì không. Gia đình Khoa kinh doanh mặt hàng này đã gần hai chục năm. Máu kinh doanh “ngấm” vào Khoa rất lâu, trước khi trở thành sinh viên ngành công nghệ, khi việc kinh doanh được cha mẹ bàn bạc ngay trên bàn ăn. Bài học chữ tín với khách hàng cũng theo Khoa lớn lên. Điều này giải thích vì sao Khoa luôn hướng công ty của mình vào mục tiêu chỉ kinh doanh hàng chính hãng, bất chấp suýt bị phá sản hai lần.
Thực ra, kinh nghiệm để Hoàng Nhị Khoa thể hiện tại muasammypham.com không chỉ từ các bài học từ gia đình. Sau khi tốt nghiệp, Khoa đã đầu quân vào các công ty lớn để học hỏi kinh nghiệm. May mắn lớn nhất, theo Khoa là đã có hai năm làm vị trí Quản lý cung ứng hậu cần ở Công ty Thế giới Di động, một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Khoa kể học được rất nhiều từ phương châm “công ty không bán sản phẩm mà bán sự hài lòng” của Thế giới Di động để bổ sung cho bài học chữ tín từ gia đình.
Quay trở lại với muasammypham.com, Khoa cho biết trong thời gian tới Công ty sẽ tập trung vào các kênh bán hàng truyền thống, tăng số lượng nhãn hàng, nâng cao chất lượng tư vấn, cung cấp nhiều gói dịch vụ như soi da, tư vấn trang điểm miễn phí… Khi đó, thương mại điện tử chỉ đóng vai trò là kênh bổ trợ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với muasammypham.com. Kế hoạch này đã được Khoa thực hiện từ nửa cuối năm 2015.
Khi được hỏi Musammypham.com hiện nay có gì khác sau hai lần “chết” hụt, Khoa bảo mọi thứ đã rõ ràng từ hướng đi, quy trình quản lý đến bán hàng, lượng khách hàng ổn định hơn nhưng mọi chuyện đều có thể xáo trộn khi các chi nhánh mới xuất hiện.
Không ai có thể nói trước được điều gì. Nhưng với CEO Hoàng Nhị Khoa, để biết mô hình chuỗi bán lẻ mỹ phẩm Công ty đi theo có thành công hay không thì tự mình trải nghiệm còn hơn là ngồi đợi và tiếc nuối khi cơ hội đi qua…
Công Sang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét