- Thay mặt vỉa hè, lát đá hoa cương, chỉnh trang đô thị theo lệnh Bí Thư Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong.
Thông tin cho biết, ngày 26/3, UBND Q.1 (TP.HCM) thống nhất kế hoạch chỉnh trang đô thị, tiến hành lót đá hoa cương, đồng bộ hóa hạ tầng tất cả các tuyến đường trên địa bàn.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết hiện trên địa bàn Q.1 có 936.000 m2 vỉa hè thuộc 134 tuyến đường do UBND Q.1 quản lý. Ngoài những tuyến phố đi bộ đã được cải tạo, còn lại đều trong tình trạng xuống cấp, không đảm bảo mỹ quan đô thị.
Ảnh Thanh niên |
Ông Hải cho biết thêm, ngay trong năm 2016, quận sẽ chỉ đạo đồng bộ cơ sở hạ tầng, cải tạo vỉa hè tất cả với 134 tuyến đường bằng đá hoa cương Bình Định. Kinh phí ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng, được huy động từ doanh nghiệp và quận sẽ bố trí ngân sách trả trong 5 năm.
Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1, cho biết ngoài việc cải tạo vỉa hè, quận tiến hành xây mới 89 chung cư cũ trên địa bàn. Quận sẽ bố trí những khu vực phù hợp dành cho người buôn bán hàng rong được bán theo giờ, đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường.
Trước đó, tại Hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT chiều 27/2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có chỉ đạo trả lại vỉa hè cho người đi bộ. “Vỉa hè thì đem cho thuê nhưng người dân đi xuống lòng đường thì đề xuất phạt. Toàn bộ vỉa hè thành đường đi xe máy với nơi kinh doanh buôn bán, người dân đi vào đâu?” - ông Đinh La Thăng nêu vấn đề này tại hội nghị.
Sau đó, ông đã yêu cầu: “Tôi yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đỗ xe... Còn chỗ nào mà thấy cho phép sử dụng vỉa hè lòng đường được thì cho luôn, không thu phí nữa”.
Đây được xem là lời tuyên chiến của ông Thăng trong cuộc chạy đua đòi lại lòng đường, vỉa hè cho người đi bộ.
Từ dẹp loạn trộm cướp tới tuyên chiến với thực phẩm bẩn độc
Lời tuyên chiến với nạn cướp giật được xem là nhiều thách thức, khó khăn với cương vị tân Bí thư Thành ủy HCM - ông Đinh La Thăng.
Tại phiên họp với Ban Giám đốc Công an TP.HCM về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chia sẻ với nỗi lo sợ cướp giật của người dân, ông Thăng chỉ đạo Công an TP tăng cường sức mạnh tổng hợp, kết hợp nhiều mô hình phòng chống tội phạm, khuyến khích người dân tham gia và có cơ chế khen thưởng cho họ; kiên quyết xử lý tệ nạn ma túy, nghiện hút “vì đây là một trong những nguồn gốc của các loại tội phạm”; tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực để bám sát địa bàn...
“Đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, môi trường kinh doanh lành mạnh là nhiệm vụ quan trọng. TP.HCM hướng đến văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì phải dẹp sạch tệ nạn ma túy, cướp giật, trộm cắp”, ông Thăng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông đã gợi ý cho Công an TP có thể tái lập lực lượng săn bắt cướp hiệu quả như trước đây để có thêm một lực lượng phản ứng nhanh, góp phần bảo vệ an ninh cho người dân, du khách. “Cuộc sống người dân đầy đủ, no ấm nhưng lúc nào cũng thấp thỏm lo âu về trộm cắp, cướp giật thì không thể là TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình được”, ông Thăng nói.
Bí Thư thành ủy TP.HCM hạn cho Công an TP trong vòng 3 tháng phải kéo giảm tỉ lệ tội phạm.
Mới đây nhất, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ sáng 26/3, ông Đinh La Thăng được cho là đã bắt đầu tuyên chiến với nạn thực phẩm bẩn độc gây nhức nhối thời gian qua.
Ông đặt thẳng vấn đề: “Sao dân vẫn ăn bẩn?” khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến Báo cáo “Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành thời gian qua được thực hiện khá tốt”.
“Nói các bộ phối hợp với nhau tốt. Phối hợp tốt tại sao dân vẫn phải ăn bẩn? Vậy thì tốt cái gì? Nói thế là không được, nói thế khác gì cứ bảo dân tiếp tục ăn bẩn đi, đợi bộ có lộ trình. Tôi đề nghị cần có biện pháp quyết liệt ngay!”.
Đặt vấn đề xong, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ cho TP.HCM thí điểm thành lập một cơ quan trực thuộc UBND thành phố để lo việc này, tức chỉ cần tập trung vào một đầu mối cho dễ quản lý và tránh được tình trạng “bộ này đổ cho bộ kia”.
Thái An (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét