Gần đây báo chí bàn tán nhiều về chuyện 99% doanh nghiệp Việt Nam khối tư nhân không có động lực để mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô. Và cho đến giờ, có rất ít doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh trong đất nước có thị trường lớn với hơn 90 triệu dân. Vì sao doanh nghiệp Việt Nam không lớn được và cách nào giúp nền kinh tế phát triển. Hãy cùng Đại Kỷ Nguyên giải mã vấn đề này.
Từ lịch sử, “giàu là tội lỗi”, ý chí làm giàu bị thui chột
Nhớ lại một thời ấu trĩ 1954, thời kỳ cải cách ruộng đất, thống kê trong cuốn Lịch sử kinh tế Việt Nam (tập hai) cho biết là đã có 172.008 người bị quy vào thành phần địa chủ và phú nông (trong đó có 123.266 người bị quy sai, hơn 70%, tức là bị oan). Những người giàu này bị tịch thu toàn bộ tài sản, ruộng đất, bị giết chết oan ức, bị đấu tố sỉ nhục. Con cháu của họ không được tham gia vào làm việc nhà nước, không được đi học đại học, không được vào hợp tác xã, phải ra ở rìa làng. Những ký ức thời kỳ này thật kinh hoàng, người lớn tuổi ở miền Bắc đến nay vẫn chưa quên, khi đó chỉ thành phần cố nông là hãnh diện, còn giàu là tội lỗi, là bóc lột.
Đến năm 1978, thực hiện cải cách công thương, nhà nước có quy định tư nhân không được tích trữ vàng, bạc, ngoại tệ, ai có trên 2 chỉ vàng phải khai báo, nếu phát hiện được sẽ bị tịch thu. Chủ doanh nghiệp bị coi là tư sản, là con đỉa hút máu, bóc lột người lao động. Còn nhớ ở Hà Nội khi đó có ông Vua Lốp, chuyên làm gia công lốp xe đạp, rất giàu có, có nhà 2 tầng nhưng lúc nào cũng phải giả nghèo khổ vì sợ bị tịch thu. Tư tưởng kinh tế tập thể, hợp tác xã này đã đập tan mầm mống kinh tế tư nhân, chỉ sản xuất theo kế hoạch, cuộc sống thiếu thốn, đói nghèo, không ai dám làm giàu.
Đến năm 1986, đất nước bước vào đổi mới, đã cởi trói cho kinh tế tư nhân, tạo khởi sắc cho kinh tế thị trường và nền kinh tế phát triển. Từ chỗ nghèo đói, phải nhập lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo. Những năm 1990, kinh tế còn khó khăn, kinh tế tư nhân còn chưa phát triển nhưng đã nổi lên nhiều doanh nhân như Tăng Minh Phụng, Nguyễn Văn Mười Hai… Nhưng rồi các doanh nhân đó hơi lớn là đã bị bắt, xử lý do phá rào, đi trước chính sách.
Ông Tăng Minh Phụng phá rào và cái giá phải trả
Đến gần đây báo chí mới dũng cảm nhận định rằng ông Tăng Minh Phụng thực sự là doanh nhân Việt thành công, đã phá rào đi trước chính sách khi kinh tế thị trường mới nhen nhóm ở Việt Nam. Vì thế ông và nhiều người cùng thời đã bị bắt, bị xử tử hình.
Các nhà phân tích cho rằng trong số những bài học rút ra từ vụ án kinh tế lớn nhất của đất nước ta thế kỷ trước, thì mô hình công ty mẹ – công ty con của ông Tăng Minh Phụng đã được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi hiện nay. Có người còn cho rằng sự hy sinh của ông Phụng để mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển cũng rất đáng được ghi nhận.
Năm 1994, ông là chủ của công ty may với gần 10 nghìn công nhân, từng nắm cả chục nghìn tỷ trong tay (riêng vay ngân hàng 4.000 tỷ, lúc đó là một khoản tiền cực lớn), nhưng Giám đốc công ty Minh Phụng sống đơn giản, không tiêu pha lãng phí, không rượu bia như bao người. Tạo lập một doanh nghiệp tư nhân chuyên gia công may mặc, giày dép xuất khẩu lớn mạnh, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước ngay trong những năm đầu đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường không phải ai cũng làm được.
Khát vọng làm giàu mạnh mẽ của người đàn ông đã sống một thủa hàn vi vất vả, chắt chiu từng đồng tiền kiếm được luôn là chính đáng bởi Tăng Minh Phụng là người biết trân trọng mồ hôi, công sức để kiếm ra những đồng tiền đó. Qua các câu chuyện kể về Minh Phụng, không ai không bảo Phụng là người có cả tài, cả tâm. Tuổi trẻ, sức lực, tâm huyết Tăng Minh Phụng đều dồn vào công việc. Nếu nói Tăng Minh Phục tử vì đạo kinh doanh của mình không hề sai. Niềm vui duy nhất của ông là con cái và đam mê lớn nhất là công việc.
Nhưng đau đớn hơn khi Tăng Minh Phụng phải lãnh bản án khắc nghiệt nhất, nhiều giọt nước mắt của những người công nhân đã rơi xuống khi nghe thông tin ấy không chỉ bởi tương lai mờ mịt của chính họ mà còn bởi cái tình họ dành cho ông chủ Tăng Minh Phụng.
Phải chăng đây là một thất bại của chính sách kinh tế không theo kịp cuộc sống. Sau Tăng Minh Phụng không còn ai dũng cảm làm giàu nữa, vì cùng thời ông thì hầu như cứ ai giàu lên là sẽ bị bắt, tù tội. Do chính sách không theo kịp, đã tạo thành nút thắt, thắt lại mọi ước vọng làm giàu chính đáng của các doanh nhân.
Đây là một bài học về chuyện đổi mới đi trước, sau chuyện bị làm kiểm điểm của ông Kim Ngọc, cựu Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú. Kim Ngọc là người khởi xướng việc “khoán hộ” trong nông nghiệp ở Việt Nam vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Tuy nhiên thời bấy giờ, do áp dụng một cách máy móc mô hình tổ chức xã hội của Liên Xô cũ mà sáng kiến của ông không được trọng dụng, lại còn bị bắt phải làm kiểm điểm và tự nhận “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”. Tuy nhiên sau đó, sáng kiến “khoán hộ” hay “Cải tiến công tác quản lý lao động hợp tác xã” năm 1966, đã dẫn đến “khoán 10” hay “Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988”, tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới.
Chuyện Ông Dũng lò vôi kiện chủ tịch tỉnh Bình Dương
Gần đây nhất, tháng 7/2014, bị tỉnh Bình Dương bức ép doanh nghiệp vì quá nhiều “lệ”, ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam đã làm đơn kiện ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vì chậm trễ cấp phép đầu tư làm ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp đã gây “bão” trong dư luận.
Theo Báo Dân Việt đưa tin ông Dũng nói mong muốn những cái “lệ” được xóa bỏ ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung để môi trường đầu tư thật sự lành mạnh, là một lời thỉnh cầu để cứu lấy hàng vạn doanh nghiệp của cả nước, các doanh nghiệp khác phá sản rồi đi đến tù tội, kinh tế thì băng hoại bởi do đâu; do cái “lệ”, nó cũng là mầm mống để đóng góp cho nền kinh tế và doanh nghiệp phá sản, đứng trên bờ vực thẳm.
Đến chuyện ngày nay doanh nghiệp Việt không chịu “lớn”!
Theo thống kê, cả nước hiện đang có khoảng 550.000 doanh nghiệp, trong đó số doanh nghiệp quy mô lớn chỉ chiếm 2% tổng số, số doanh nghiệp quy mô vừa cũng là 2%, còn 96% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Về đóng góp vào GDP, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 44%, bao gồm kinh tế hộ là 33%, doanh nghiệp tư nhân đóng góp chỉ là 11% GDP. Có nghĩa là 96% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ mà phần lớn là hộ doanh nghiệp lại đang có mức đóng góp vào tăng trưởng GDP cao hơn khoảng 3 lần so với 2% các doanh nghiệp trung bình.
Cục phát triển DN (Bộ Kế hoạch đầu tư) thừa nhận, ở khu vực DNNVV đang có xu hướng phát triển không ổn định, không dài hạn, các DN gia nhập thị trường nhanh nhưng rời khỏi thị trường cũng rất nhanh và mạnh, ví dụ như năm 2015 có hơn 80.000 DN phá sản, giải thể và cũng khoảng 80.000 DN thành lập mới.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói “Có tới 99% DNNVV không có nhu cầu trở thành lớn hơn, họ chỉ cần chính sách ổn định để phát triển bền vững”, như vậy chỉ có 1% DNNVV muốn lớn hơn.
Tại sao doanh nghiệp không muốn lớn?
Về chính sách của nhà nước, ông Nam cho rằng năm 2010 – 2015, có nhiều chính sách được đưa ra như hỗ trợ vốn, giải phóng mặt bằng đất đai, xúc tiến thương mại… Tuy nhiên, các DNNVV dường như không được thụ hưởng.
Nếu DNNVV không được tiếp cận một cách công khai, bình đẳng với các nguồn lực phát triển như vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên, lao động… thì sẽ không phát triển được. Ai cũng biết những mảnh đất vàng, những nơi đắc địa thuận lợi cho kinh doanh thì hầu hết các doanh nghiệp lớn, đầu tư nước ngoài được lấy trước, như trường hợp Metro được các tỉnh ưu ái cấp đất đắc địa, rộng như sân vận động quốc gia để mở siêu thị.
Theo phản ánh của các chủ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì thường phải đối mặt với nhiều sức ép hơn do phí tuân thủ thủ tục hành chính cũng nhiều hơn, bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, cũng như dễ bị các cơ quan hành chính và thuế nhũng nhiễu hơn. Đó là lý do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và trung bình, một khi phát triển nhất định thì hầu hết sẽ tiết giảm quy mô kinh doanh ở một mức độ nhất định và đầu tư tiền vào lĩnh vực khác thay vì tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh.
Làm một đồng thì DN phải chi bôi trơn cho tham nhũng 0,72 đồng
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thì cái được gọi là “tác nhân” gây trở ngại cho DN, thực tế chỉ là việc DN phải chi tiền để “quan hệ”, “bôi trơn”. Điều này đã trở thành “luật bất thành văn” của các DN Việt Nam và trở thành rào cản lớn nhất cho sự phát triển của DN.
Cũng theo bà Lan, chi phí mà các DN phải trả cho các loại phí và thuế đã chiếm 40,8% tổng số lợi nhuận, trong đó có rất nhiều loại thuế, phí không thể kiểm soát được. Tiền “bôi trơn” của DN Việt Nam chiếm 72% đến 102% lợi nhuận của họ. Nghĩa là cứ làm ra được 1 đồng thì DN phải chi ra ít nhất 0,72 đồng “bôi trơn”!.
Làm thế nào để doanh nghiệp phát triển?
Trước hết cần xóa bỏ những mặc cảm về “giàu là tội lỗi” trong tư tưởng của doanh nhân, xóa những lo ngại về việc cứ giàu lên là bị “bắt”, những lo ngại không dám làm giàu bằng những hành động cụ thể của cơ quan chức năng. Tạo mọi điều kiện để DNNVV phát triển.
Ngay trong quan niệm khi còn những cách nghĩ tiêu cực về kinh tế tư nhân kiểu như: người làm thương mại bị gọi là “con buôn”, người thu mua nông sản cho nông dân- chính là một khâu trong chuỗi nông nghiệp bị báo chí gọi là “đầu nậu thu gom”; Hay kiểu không quản lý được thì cấm… đang cản trở đến phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Chính quyền phải thực sự hành động đúng, không nên để tái diễn chuyện kiện chủ tịch tỉnh như ở Bình Dương; đồng thời phải kiên quyết xóa bỏ tệ nạn tham nhũng, nếu phải chi cho bôi trơn nhiều thế thì doanh nghiệp làm sao phát triển được?
Thành Tâm tổng hợp / daikynguyen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét