Gặp ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT khi năm mới Bính Thân đang cận kề và ngay trước khi ông tới Davos để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Cầm cuốn sách về cuộc cách mạng công nghệ thứ 4, một trong những chủ đề được đề cập tại Diễn đàn, ông - vẫn như thường thấy - đã say sưa nói cả tiếng đồng hồ về những thách thức và cơ hội mở ra cho Việt Nam, cho FPT trong cuộc cách mạng công nghệ đang gây “nghiêng trời, lở đất” này.
Cuốn sách ông đang cầm trên tay - cuộc cách mạng công nghệ thứ tư - có ý nghĩa gì, thưa ông?
Ngày hôm nay người ta đang nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một cuộc cách mạng chưa từng có và sẽ biến đối toàn nhân loại. Mỗi con người sẽ sống, làm việc và giao tiếp theo cách hoàn toàn mới. Động lực của cuộc cách mạng này là khoa học - công nghệ mà trung tâm của nó là công nghệ thông tin. Hiện nay công nghệ SMAC và Internet Vạn vật không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau.
Họ đang nói đến hàng nghìn tỷ thiết bị được kết nối, về hàng tỷ đầu đo để thông báo toàn bộ dữ liệu về đất đai, vi lượng, thời tiết… Người ta khẳng định đây là cuộc cách mạng vì nó đang tiến triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Ba năm trước thôi, người ta công bố rằng có dấu hiệu của một cuộc biển đổi vô cùng to lớn thì ngày hôm nay đã xuất hiện ô tô tự lái, những ngôi nhà thông minh, những phương thức kinh doanh như Uber.
Với quy mô và độ sâu rất rõ, cuộc cách mạng này đang chạm vào tất cả khía cạnh của đời sống, công việc, giao tiếp. làm thay đổi hệ thống. Các hệ thống cũ được thay thế bằng hệ thống mới, doanh nghiệp cũ được thay thế bằng doanh nghiệp mới, giáo dục - đào tạo được thay thế bằng phương thức mới. Và tất cả mới chỉ bắt đầu được 3 năm. 3 năm nhưng là một sự thay đổi “nghiêng trời lở đất”. Những khái niệm rất cơ bản như là thị trường sẽ được thay thế bằng khái niệm mỗi một người mua hàng. Nền kinh tế cũ sẽ được thay thế bằng nền kinh tế mới để phục vụ cho mỗi một cá thể mua hàng theo sở thích của họ…
Thông thường những sự thay đổi như vậy sẽ sắp xếp lại trật tự thế giới. Và trong bối cảnh đó thì đây là cơ hội của Việt Nam, bởi Việt Nam có dân số đứng thứ 14 trên thế giới và đang ở độ tuổi vàng.
Cơ hội đó cụ thể là thế nào, thưa ông? Và làm sao để chúng ta có thể biến cơ hội thành hiện thực khi mà thế giới đang biến đổi từng ngày còn Việt Nam thì vẫn đang trăn trở với nỗi lo tụt hậu?
Hàng triệu thanh niên Việt Nam đang có ước mơ của mình. Bài toán lớn nhất của Việt Nam hiện nay là nuôi dưỡng những giấc mơ lớn và biến những giấc mơ ấy thành hiện thực. Khoảng thời gian cơ hội còn lại cho chúng ta là 15 năm, khi dân số vẫn đang ở độ tuổi dân số vàng. Trong 15 năm đó, chúng ta cần những thế hệ, những người chủ tương lai mới của đất nước. Năm nay họ đang ở độ tuổi 20 thì 15 năm sau họ sẽ ở độ tuổi “chín”, là trụ cột cho tương ai đất nước. Chúng ta đang mong muốn rằng họ là những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra. Đây là thách thức vô cùng lớn, nếu chúng ta không bắt được cơ hội này thì Việt Nam có thể sẽ già rồi mà vẫn chưa giàu, già rồi mà vẫn còn chưa ngẩng đầu lên được.
Cuộc cách mạng này là cơ hội, đúng vào thời điểm Việt Nam đang có đầy đủ điều kiện tiên quyết để làm những điều đó. Nguyễn Hà Đông là một trong những bạn trẻ Việt Nam nhưng đã có vị thế trên thị trường game thế giới. Và còn rất nhiều bạn trẻ khác đang vươn lên. Trong bối cảnh đó, chúng ta từng tháng từng ngày đều phải tiết kiệm thời gian để sống với ước mơ lớn.
Nhưng nuôi dưỡng giấc mơ lớn đâu phải là chuyện đơn giản, thưa ông? Chúng ta đang bị bó hẹp bởi cơ chế, bởi nguồn lực…
Điều chúng ta cần trước tiên đó là nuôi dưỡng ý chí của toàn dân tộc. Một dân tộc có truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh cho đất nước thì không thể là dân tộc chấp nhận nghèo hèn.Việt Nam cần phải nuôi một ước mơ lớn, bởi nếu tụt hậu trong cuộc cách mạng thứ tư này thì hệ lụy là rất lớn. Nếu không có ước mơ lớn thì có thoát được trở thành bãi rác ô nhiễm của thế giới hay không? Một quốc gia yếu đuối về kinh tế thì có thể bảo vệ được đất nước hay không?
Vậy hãy nuôi ước mơ về một quốc gia công nghệ, quốc gia khởi nghiệp và quốc gia sáng tạo. Nếu chúng ta, nếu mỗi gia đình không nuôi dưỡng trong con cái mình tinh thần tự tôn, sáng tạo, tinh thần tự chủ tự cường thì sau này, những người chủ tương lai của đất nước sẽ tiếp tục sứ mạng phát triển đất nước như thế nào?
Chúng ta cần các quỹ đầu tư mạo hiểm, giống như ví dụ Isarel đã làm. Chính phủ bỏ tiền vào các quỹ đầu tư tư nhân mà không tham dự điều hành, thất bại thì nhà nước cùng chịu, thành công nhà nước thu lại vốn và lãi suất. Việt Nam cần những quỹ như vậy, phải thay đổi nhận thức, bởi trước nay chúng ta cứ nghĩ rằng mất tiền của Nhà nước tức là có tội. Trong khi đó, đầu tư vào đầu tư mạo hiểm thì đầu tư 10 mất 9, nhưng nếu không đầu tư thì không bao giờ vươn lên được công nghệ cao, kinh tế trí thức. Và cái được thì cũng rất lớn, đó là những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công sẽ là những con gà đẻ trứng, và trứng của nó giá trị hơn nhiều lần tiền ta xây chuồng. Có những quỹ như vậy, vốn cả thế giới sẽ đi về đây.
Vậy hẳn năm xưa, khi ông cùng các đồng sự của mình gầy dựng FPT cũng không nghĩ rằng, có một ngày FPT trở thành “con gà đẻ trứng vàng” đâu nhỉ, và cũng không nghĩ FPT sẽ vươn ra toàn cầu?
Chúng tôi thành lập FPT vì khi ấy đồng lương của một cán bộ nghiên cứu không nuôi nổi gia đình. Sự ra đời của FPT lúc ấy chẳng qua là vì sinh tồn. Bởi thế, đấy chỉ là “lập nghiệp” chứ không phải là “khởi nghiệp”. Nhưng mà ngay khi ấy, FPT đã nuôi giấc mơ lớn, muốn FPT trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh, góp phần làm hưng thịnh quốc gia. Trong giấc mơ của chúng tôi khi ấy, cũng đã nghĩ về việc một ngày nào đó sẽ sánh cùng các tên tuổi lớn trên thế giới. Vì thế, tên FPT cũng có 3 chữ cái, giống như IBM hay JVC… (cười).
Và trong suốt hơn 27 năm qua, chúng tôi đã làm việc quên mình để thực hiện ước mơ đó. Xuất khẩu phần mềm ban đầu cũng chỉ là một phát sinh trong con đường kinh doanh. Khi đó xuất hiện nỗi sợ hãi về một ngày nào đó FPT sẽ ngủ quên trên chiến thắng, nên chúng tôi đã đặt ra một thách thức vượt ra khỏi năng lực của FPT. Chưa làm được phần mềm trong nước nhưng chúng tôi quyết định làm phần mềm quốc tế. Một quốc gia mà khi nhớ đến, người ta chỉ nhắc đến chiến tranh mà lại đi cung cấp công nghệ cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, thì đó là vọng tưởng. Nhưng cuối cùng thì chúng tôi đã làm được, như các bạn đang thấy hôm nay.
Nghĩa là FPT cũng đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ 4 này bằng một nỗi sợ như nhiều năm trước? Nhìn vào hành trình phát triển của FPT, các bạn trẻ bây giờ có nên nuôi dưỡng giấc mơ về một ngày nào đó còn thành công hơn cả FPT hay không?
FPT bước vào cuộc cách mạng này bằng nguồn cảm hứng, bằng sự đam mê chứ không phải vì nỗi sợ. Ngày hôm nay, chúng tôi đã có nội lực để nói chuyện bình đẳng với các tập đoàn trên thế giới về những gì mình đã và đang làm.
Trong cuộc cách mạng này, chúng ta đang cùng một vạch đích với nhiều tập đoàn, với nhiều quốc gia trên toàn cầu. Cùng một vạch đích thì cơ hội là ngang nhau, chỉ có điều chúng ta có quyết tâm để đón bắt cơ hội đó hay không thôi.
Còn thế hệ trẻ ngày nay, tôi tin họ sẽ vượt qua thế hệ trước, bởi như thế đất nước mình mới có tương lai rộng mở.
Là doanh nhân thế hệ F1, ông cũng đã vừa say sưa nói về một tinh thần khởi nghiệp quốc gia. Vậy FPT và cá nhân ông đã làm gì để nuôi dưỡng ước mơ lớn đó?
Năm 1999, khi Việt Nam đón đoàn học sinh vô địch tin học quốc tế về nước không kèn không trống, trong khi đón đoàn bóng đá đứng thứ nhì ASEAN thì trống rong cờ mở, thì chúng tôi đã quyết định thành lập một câu lạc bộ tài năng. FPT từ ngày ấy đã muốn nuôi dưỡng các thế hệ tài năng của đất nước. Bây giờ, 250 bạn trong số đó đã và đang làm việc ở Google, Dropbox, Microsoft, VNG, chodientu… Họ đang trở thành những người dẫn đầu, dẫn dắt những người trẻ tham gia cuộc cách mạng công nghệ thứ tư này.
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn sẵn sàng đi cùng các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp lớn khác và các quốc gia khác để nhanh chóng đưa khoa học - công nghệ vào Việt Nam. Chúng tôi cũng đang thổi lên trong tâm thức các bạn trẻ cơ hội và ước mơ, biến những ước mơ đó thành hiện thực, bằng các cuộc thi ví dụ nhưS.M.A.C Challenge 2015 - cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói, trí tuệ nhân tạo, người máy…
FPT cũng đã lập quỹ đầu tư của riêng mình để nuôi dưỡng và góp phần biến các ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ thành hiện thực. Hàng trăm ý tưởng đã gửi đến FPT và chúng tôi đang xem xét để lựa chọn các ý tưởng tốt nhất để đầu tư vào.
FPT cũng đang đưa ra một hình thức học tập cực kỳ mới, là Đại học FUNiX - đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam , để dù bạn ở bất cứ đâu, là bất cứ ai cũng có thể học và nhanh chóng gia nhập ngành công nghiệp phần mềm…
Bill Gates và Tổng thông Obama đang kêu gọi tất cả công dân Mỹ không phân biệt ngành nghề đều biết lập trình, vì chỉ khi biết lập trình mới trở thành thành viên của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Tất nhiên là khó khăn ngút ngàn, là ước mơ vượt không gian mà chúng ta đang sống, nhưng nếu không ước mơ thì chúng ta không thể tiến lên được.
Vậy còn với riêng sự phát triển của FPT?
Năm 2016 và các năm tiếp theo được coi là những năm bước ngoặt của FPT. Có hai kịch bản có thể xảy ra. Thứ nhất là FPT sẽ lột xác, vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu với quy mô 100.000 nhân viên vào năm 2020. Thứ hai là FPT không đủ năng lực đổi mới sáng tạo để nắm bắt cơ hội và thất bại. Chính vì vậy, thông điệp năm 2016 được FPT đưa ra là “Đổi mới để tăng trưởng”.
Mỗi người, mỗi bộ phận và cả Tập đoàn đều phải thay đổi. Tôi có một niềm tin rằng sức mạnh là do phát huy tối đa được năng lực của mỗi người trong tập thể vì một mục tiêu chung. Nếu có yếu tố đó, tôi tin không có trở ngại nào cản trở được bước tiến của FPT.
Nguyên Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét