"Xấu hổ thật! Một bộ máy khổng lồ, một hệ thống chính trị quá hùng hậu mà không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém”.
Nữ sinh Lương Thị Hoài Thương. Ảnh: Zing.vn
1. Đúng cái hôm mạng xã hội chia sẻ clip người Mỹ điều cả trực thăng chỉ để cứu một con chó rơi xuống sông, thì cụ Hồ Văn Gần, 80 tuổi, tàn tật, bán vé số ở Long An bị cướp 8 triệu đồng.
Cụ ông ấy, không thể đuổi theo hai kẻ cướp thạo nghề với một chiếc chân giả và chút hơi còm của người ở tuổi gần đất xa trời.
Cụ Gần, cũng giống nữ du khách người Ai Cập ở quận 1 TP.HCM, không thể làm gì khác khi bị cướp, ngoài việc đứng chết lặng và bật khóc.
Ai cứu?
Tuyệt đại đa số nạn nhân không có tuyệt kỹ công phu như nữ sinh xinh đẹp của Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1, Lương Thị Hoài Thương.
Đường phố nhộn nhạo mưu sinh cũng không giống sân khấu liên hoan võ thuật thanh niên công an khu vực phía Bắc.
Cho nên, khi bị cướp, các nạn nhân đều không thể bay người, kẹp cổ 3 kẻ xăm trổ, như cô nữ sinh cảnh sát đã làm trong hội diễn.
Nữ du khách Alaa Mohammad Abdu Ali Aldoh (SN 1994, quốc tịch Ai Cập) bị cướp giật đồ ở TPHCM. Ảnh: Người lao động
2. Tại sao khi xem những câu chuyện ở xứ người: Clip người Mỹ dùng trực thăng cứu chó, người Nhật duy trì cả một nhà ga và tuyến đường sắt suốt 3 năm chỉ để phục vụ một nữ sinh, người Việt lại nhiều cảm xúc đến như vậy?
Ai cũng có thể trả lời: Giá như những điều đó trở thành hiện thực ở Việt Nam.
Theo một khảo sát của Zing, năm 2015, số vụ cướp giật ở 3 quận trung tâm của 3 thành phố lớn nhất, lần lượt là: Quận Hải Châu, Đà Nẵng: 3 vụ; Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: 42 vụ; Quận 1, TP.HCM: 109 vụ.
Con số này, khiến tôi nhớ tới cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và câu nói của tân Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Ông Hải đã nói rất đúng (dù chưa khéo theo cách của một chính trị gia) là thà nghèo mà yên bình còn hơn giàu mà không an toàn.
Những anh hùng bàn phím sẽ không ném đá câu nói này, nếu đã tận mắt chứng kiến hoặc từng là nạn nhân của tội phạm.
Khi tên cướp Hồ Duy Trúc (đã lĩnh án tử) chặt rớt một cánh tay phụ nữ trên cầu Phú Mỹ, Sài Gòn để cướp xe SH, ông Nguyễn Bá Thanh đã chua xót:
"Xấu hổ thật! Một bộ máy khổng lồ, một hệ thống chính trị quá hùng hậu mà không bảo vệ được cuộc sống của người dân là quá kém. Không thể chấp nhận được!
Tôi ở trong Quốc hội, sau này có lẽ cũng phải đấu tranh, nghiên cứu sửa đổi lại luật lệ như thế nào. Cướp mà có vũ khí chống trả là có quyền bắn hạ.
Phải làm như hồi mới giải phóng, ăn cướp nhan nhản, phải thành lập các đội săn bắt cướp, tiêu diệt để giữ bình yên cho dân. Chừ nhờn dần rồi!".
3. Nếu không cứu được con chó, sẽ có rất nhiều người Mỹ xấu hổ nên họ điều cả trực thăng cứu hộ.
Bao nhiêu người Việt sẽ xấu hổ, khi thấy một dân lành bị cướp, bị đe dọa an toàn tính mạng?
Theo lệnh của Bí thư Thăng, trung tá Phước, trưởng CA phường Phạm Ngũ Lão, Q1, TP.HCM đã đến xin lỗi nữ du khách Ai Cập bị cướp giữa phố.
Bí thư Đinh La Thăng.
Nếu “nề nếp ứng xử” này được duy trì, chắc chắn sẽ có nhiều trung tá, đại tá khác trong cả nước phải xin lỗi mỗi ngày.
Nhưng nếu xin lỗi, mà không biết xấu hổ, thì những lời xin lỗi ấy chỉ nối dài thêm nỗi đau của nạn nhân.
Để có một Đà Nẵng bình yên và đáng sống, phải có những người biết xấu hổ và kiến thiết cả bộ máy công bộc biết xấu hổ, như ông Bá Thanh.
Ông Thanh không còn, nhưng chắc chắn Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều những người biết xấu hổ khi không bảo vệ được dân.
Ông Xuân Anh, ngay trong những ngày đầu nhậm chức Bí thư Đà Nẵng, đã tiếp tục vận hành một bộ máy biết xấu hổ: “Làm sao Đà Nẵng là thành phố đáng sống với người lương thiện, đáng sợ với tội phạm”.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân Sài Gòn kỳ vọng “tân Bí thư sẽ trở thành một Nguyễn Bá Thanh của TP.HCM”.
Tôi tin, mỗi ngày, Bí thư Đinh La Thăng đều theo rất sát những thông tin về cướp giật ở cái thành phố mà ông vừa gắn bó hơn một tháng, nhưng đã nổi tiếng từ lâu về vấn nạn này.
Một nhà báo đã về hưu ở Sài Gòn tâm sự: Khi một số tờ báo lên án chuyện công an TP.HCM cho phát tờ rơi cảnh báo khách du lịch nên tự bảo vệ tài sản của mình khi đi lại nơi công cộng, thì ông lại là người ủng hộ.
“Chính quyền chưa đủ sức bảo vệ cho du khách trước sự táo tợn và liều lĩnh của kẻ cướp, thì chuyện phát tờ rơi là giải pháp tình thế vô cùng cần thiết.
Nhưng còn gì tuyệt vời hơn, nếu ngày nào đó không còn tờ rơi và cũng không phải nhìn thấy những gương mặt mếu máo giữa thành phố cũng - đáng – sống - nếu – vắng – cướp”.
Một người thân của tên cướp Hồ Duy Trúc đã kêu lên trong phiên tòa xử hắn: “Ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”.
Thưa Bí thư Thăng, hơn 1 tháng qua, rất nhiều thứ đã cựa quậy tích cực, sau mỗi bước đi quyết liệt của ông, nhưng hình như có vẻ… bọn cướp lại chưa mấy thay đổi, vẫn táo tợn và liều lĩnh.
Trông chờ lương tâm kẻ cướp thay đổi, là chuyện rất ít khả thi, nhưng trông chờ lương tâm vì dân của cán bộ có chuyển biến tích cực, thì Bí thư hoàn toàn có thể làm được.
Liệu một ngày nào đó, người Sài Gòn có thể đi giữa phố nghe điện thoại, trang sức lấp lánh trên cổ, trên tay (thay vì giấu kín) mà vẫn không phải kêu cứu hoặc bật khóc?
Theo Tri thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét