Cảnh báo được nhiều doanh nghiệp sản xuất bia đưa ra khi phải áp dụng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế suất 55% từ đầu năm 2016.
"Tăng giá bia" là thông điệp nổi bật được các doanh nghiệp mang tới Tọa đàm về việc triển khai thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 diễn ra ngày 16/3 tại Bộ Công Thương. Lý do được đưa ra là các văn bản có hiệu lực từ 1/1/2016 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt) nêu trên đã thay đổi cơ bản về giá tính thuế với cả bia nhập khẩu và sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến giá bán. Ngoài ra, hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với bia cũng đang ở mức 55% và trong lộ trình lên 65% vào năm 2018.
|
Muốn tăng giá để bù tiền thuế song doanh nghiệp cũng e ngại sức tiêu thụ bia suy giảm. Ảnh: Hồng Châu
|
Doanh nghiệp bia hiện nay kinh doanh theo mô hình nhiều cấp, đơn vị sản xuất và hệ thống phân phối (cơ sở kinh doanh thương mại) thường là những pháp nhân độc lập. Do vậy, Nghị định 108 quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá mà đơn vị sản xuất hoặc nhập khẩu bán ra, song không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại trong tháng. Cơ sở kinh doanh thương mại cũng không được phép có quan hệ với công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng hệ thống với cơ sở nhập khẩu, sản xuất.
Trước khi có những quy định này, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng mô hình kinh doanh tách biệt giữa sản xuất nêu trên để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt phải đóng. Một số trường hợp đã được kiểm toán phát hiện và yêu cầu truy thu.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hồng Xanh - Thành viên HĐQT Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận định việc áp dụng đồng thời 2 quy định trên sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả kinh của các doanh nghiệp, khiến họ phải "đóng thêm" cả ngàn tỷ đồng tiền thuế trong năm 2016. "Điều này sẽ ăn mòn lợi nhuận, khiến giá bia tăng mạnh", ông Xanh cảnh báo và cho biết bản thân Sabeco cũng đang tính đến việc điều chỉnh giá.
Chia sẻ với nhận định này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu- Nước giải khát (VBA) tính toán với mức tăng thuế 5% trong năm 2016, giá bia sẽ tăng tương ứng 5%, chưa kể khoảng 3% nữa do chi phí vênh lên. Tuy nhiên, do việc tăng giá sẽ ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ nên lãnh đạo các doanh nghiệp này đều cho rằng nhà sản xuất không thể tăng cao như ý muốn.
"Hiện bia Hà Nội có giá thành tại nhà máy là 135.000 đồng một thùng nhưng ngoài thị trường bán 132.000 đồng", ông Việt dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Linh - Thành viên HĐQT Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) thì cho rằng thời gian từ lúc ban hành (tháng 10-11/2015) đến khi có hiệu lực quá gấp gáp khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ khó hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016.
Do đó, ông Linh và các hành viên VBA đề xuất lùi thời gian thực hiện các quy định mới đến đầu năm 2017, đồng thời bỏ điều khoản tính thuế dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại có quan hệ với công ty mẹ với giới hạn xác định là 7%.
Chia sẻ với những quan điểm này, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Đậu Anh Tuấn cho việc đưa văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp.
Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Khải - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ cho rằng cơ quan quản lý cần lắng nghe ý kiến, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngân sách và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm nêu trên không có đại diện của của cơ quan trực tiếp soạn thảo 2 văn bản là Bộ Tài chính, mặc dù Chủ tịch VBA cho biết đã gửi lời mời.
Bạch Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét