Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Ông Đinh La Thăng với Sài Gòn
Song Chi
Tân Bí thư TPHCm Đinh La Thăng
.
Có nhiều người đang hy vọng ông Đinh La Thăng sẽ trở thành “Nguyễn Bá Thanh của TP.HCM”. Nhưng liệu có được như vậy?
.
Thứ nhất, hoàn cảnh xuất thân, vị trí hai người với mỗi thành phố rất khác nhau. Ông Nguyễn Bá Thanh là người Đà Nẵng, sinh ra, lớn lên, làm việc nhiều năm ở Đà Nẵng trước khi trở thành Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng trong 7 năm, rồi Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ năm 2003, không lâu sau đó ông cũng đươc bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng cho tới ngày rời Đà Nẵng ra Hà Nội năm 2012. Nghĩa là cả cuộc đời ông Nguyễn Bá Thanh gắn bó với Đà Nẵng. Sở dĩ ông làm được nhiều việc cho Đà Nẵng (bên cạnh đó cũng có nhiều cái chưa làm được, và nhiều ân oán với nhân dân trong những lần giải tỏa đất đai, mà điển hình là vụ giáo xứ Cồn Dầu, những tai tiếng như vụ án tướng Trần Văn Thanh, chưa kể ông cũng bị tố cáo là tham nhũng nặng nề và độc tài) là vì nói gì thì nói, ông phải có tình yêu với cái thành phố quê hương ruột thịt của ông. Ông hiểu người Đà Nẵng và có những quan hệ dây mơ rễ má chằng chịt từ trên xuống dưới tại đó, cấp dưới nghe ông răm rắp, người dân cũng nghe ông. Ở Đà Nẵng, ông là vua một cõi.
.
Còn ông Đinh La Thăng, tuy cũng có vẻ là người xông xáo, phát biểu mạnh miệng, nói liền “trảm” liền, nhưng thứ nhất, ông là người Bắc, dân Nam Định, không gắn bó gì với Sài Gòn (dù cũng có thời gian từng là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Trên đầu ông là đảng, có muốn làm gì cũng phải thông qua đảng, thông qua Trung ương, Bộ Chính trị, đối với cán bộ các cấp ngang hàng hoặc dưới thì ông chưa có những mối quan hệ chằng chịt phe nhóm để tồn tại, mà ở xứ này thì rừng nào cọp đó, không phải dễ, còn với người dân ông cần có thời gian để hiểu dân cũng như để dân hiểu và tin được ông.
.
Không phải là người có định kiến vùng miền, nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu có một người lãnh đạo nào đó làm được gì cho Sài Gòn, nếu không là dân Sài Gòn thì cũng phải hiểu và yêu Sài Gòn, hiểu rõ mặt mạnh cũng như những vấn đề tồn đọng của Sài Gòn, hiểu quá khứ, và sự khác biệt làm nên thành phố này.
.
Tốt hơn nữa là có kiến thức rộng, tầm nhìn thoáng, cởi mở, biết lắng nghe, để tiếp xúc và chơi được với nhiều tầng lớp khác nhau từ dân lao động, doanh nhân, trí thức, văn nghệ sĩ cũ mới…điều mà trước đây ông Võ Văn Kiệt đã phần nào làm được. Bởi Sài Gòn, khác với Hà Nội, Huế hay Đà Nẵng, là thành phố hội tụ mọi luồng giao thoa cũ mới, trong ngoài và của cả nước, về mặt văn hóa, xã hội: của Sài Gòn và miền Nam trước-sau 1975, trong nước và của người Việt hải ngoại…
.
Phải nói thẳng là ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ 2001-2006, Bí thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh 2005-2010, 2010-2015 chả làm được gì bao nhiêu cho Sài Gòn ngoại trừ biến cái thành phố này thành của riêng mình và dòng họ. Bà vợ (vốn là em út của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước), em trai, 2 con trai đều nắm giữ những chỗ ngon ăn về kinh tế, riêng con trai đầu Lê Trương Hải Hiếu là Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 12, Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa 8 nhiệm kỳ 2011-2016; cùng với vây cánh, đàn em khắp nơi tha hồ mà ăn dày.
.
Dưới thời ông Lê Thanh Hải, nếu Sài Gòn vẫn ăn nên làm ra, đóng góp nhiều nhất về kinh tế và nhiều mặt cho cả nước thì là vì cái thành phố này vốn từ xưa đã là đất làm ăn, hừng hực sức sống, còn về mặt văn hóa tư tưởng, chính trị thì SG trở thành một thành phố bảo thủ hơn Hà Nội nhiều lần. Dân trí thức văn nghệ đều biết rằng có rất nhiều thứ có thể thông qua, lọt qua khâu kiểm duyệt ở Hà Nội nhưng vào đến Sài Gòn thì không, chỉ một ví dụ rất nhỏ, ca sĩ Khánh Ly có thể về biểu diễn ở Hà Nội và nhiều nơi khác nhưng Sài Gòn thì không/chưa; biểu tình chống Trung Quốc nhiều lần có thể diễn ra êm xuôi ở Hà Nội nhưng ở Sài Gòn chỉ 1, 2 lần sau đó là bị đàn áp dữ dội, công an Hà Nội còn nể dân, tùy mặt dân mà xử chứ công an Sài Gòn thì hết sức hống hách, trí thức văn nghệ họ cũng chả coi ra gì v.v…Một thành phố thoáng về làm ăn kinh tế nhưng văn hóa thì hết sức “bảo hoàng”.
.
Trở lại chuyện ông Đinh La Thăng. Trong niềm hy vọng mà nhiều người dân dành cho ông Đinh La Thăng, phản ánh sự tuyệt vọng chẳng khác mấy so với niềm hy vọng mà người ta từng dành cho ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng có lẽ ông Thăng cũng sẽ chẳng làm được gì nhiều, từ sự “cởi mở” hơn về mặt văn hóa, tư tưởng cho tới việc làm cho thành phố này trở nên đẹp hơn, đáng sống hơn. Trừ phi, như đã nói, phải có thực tài, có tâm, và yêu Sài Gòn. Mà chuyện tìm được người có thực tài và có tâm, ở quan chức chính khách của đảng cộng sản VN, hơi bị hiếm.
Chọn lãnh đạo theo ‘minh triết’ Việt Nam
 
BBC
Nhiều tân ủy viên khóa mới đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị ĐCSVN phân công công tác mới ngay trước Tết Bính Thân.
Bổ nhiệm lãnh đạo của đảng và nhà nước phải tìm người có ‘tài thao lược’, theo tinh thần ‘minh triết’ Việt Nam, tuy nhiên trước hết Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề bỏ ngỏ về ‘tính chính danh’, theo một nhà phản biện từ Hà Nội.
Mới đây, ngay trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Bộ Chính trị do Tổng Bí thư tái đắc cử Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, đã phân công bổ nhiệm vị trí công tác mới cho một loạt các tân ủy viên BCT, trong đó có các ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Hoàng Trung Hải làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Võ Văn Thưởng làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng v.v…
Trao đổi với BBC nhân dịp này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt Nam nêu quan điểm về việc phân công, phân bổ các nhân sự lãnh đạo mới của đảng nói chung:
    Ngày xưa, bà Nguyễn Thị Bích Châu, một bà phi của Vua Trần Duệ Tông, để lại một áng văn ‘Kê minh thập sách’, tức là mười chính sách viết để dâng lên Triều Đình lúc gà gáy sáng. Chỉ riêng vấn đề này, bà khẳng định ‘chọn Tướng, cốt người thao lược’… thì đấy là minh triết Việt Nam
    Ông Nguyễn Khắc Mai
“Tôi thấy như thế này, không phải là họ không có ưu điểm gì, không có giá trị gì, họ có những ưu điểm, họ có những năng lực đấy của cá nhân, nhưng tài thao lược thì không có…
“Bởi vì người ta nhìn thấy mấy chục năm họ đã làm gì cho nền kinh tế Việt Nam để ngày càng tụt hậu xa, đến mức là giá trị lao động, đến mức là năng suất lao động còn thua kém xa những nước mà ngày xưa là mình hơn họ? Thì đã thấy điều đó rồi, chứ cần gì phải nói thêm”.
‘Kê minh thập sách’
Đề cập một kinh nghiệm về chọn người tài trong lịch sử dân tộc và gọi đây là ‘minh triết Việt Nam’, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nói:
“Ngày xưa, bà Nguyễn Thị Bích Châu, là một bà phi của Vua Trần Duệ Tông, mà bây giờ trở thành một Thánh mẫu ở Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh)…, bà để lại một áng văn ‘Kê minh thập sách’, tức là mười chính sách viết để dâng lên Triều Đình lúc gà gáy sáng.
https://i2.wp.com/ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/640/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/28/160128104756_nguyen_phu_trong_640x360_getty_nocredit.jpg
“Chỉ riêng về vấn đề này, bà khẳng định: ‘chọn Tướng, cốt người thao lược’… thì đấy là minh triết của Việt Nam. Thế nhưng mà ai theo cái này, ai theo minh triết Việt…?
Về vấn đề ‘tính chính danh’ của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong lúc đề cập xu hướng quan hệ của Việt Nam với các cường quốc khu vực và quốc tế như Trung Quốc, Hoa Kỳ v.v… ra sao, ông Nguyễn Khắc Mai nói:
“Chúng ta sẽ có quan hệ với tất cả các dân tộc trên thế giới, nhưng người ta cũng đánh giá rằng quan hệ ấy không đến nơi, đến chốn, có hiến định mà không có luật định, chẳng qua họ nể mặt dân tộc Việt Nam thôi, rồi họ đành phải chấp nhận.
“Nhưng tôi cho rằng phải khẳng định hiến định và luật định của những nhân vật cầm quyền, lãnh đạo hiện nay. Bây giờ ai cho phép anh tự nhiên nhảy… lên và lãnh đạo một thành phố với tư cách là bí thư thành ủy, ai cho phép?
    Những nhà chính sách, nhà lập chính sách kinh tế nếu dựa vào chuyện phát triển kinh tế thị trường, thì cứ phát triển kinh tế thị trường, quên đi cái vế gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa, thì như vậy đấy đã là hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam rồi
    Kinh tế gia Tôn Thất Thông
“Chẳng có luật nào cho phép hết, chỉ có những chỉ thị, những văn bản của Đảng thôi, mà như thế quản trị một đất nước văn minh, văn hóa như thế, thì làm thế nào được?
“Dân trí bây giờ khác trước rồi, phải sửa đổi đi, phải nhanh chóng sửa đổi, còn nếu không, người dân người ta sẽ không chấp nhận tư cách của anh, dù anh là gì,” ông Nguyễn Khắc Mai nói với BBC.
Phúc của dân tộc
Cũng về một khía cạnh chính sách quan yếu khác không kém gì so với vấn đề nhân sự, mới đây, một chuyên gia kinh tế người Việt Nam từ CHLB Đức cũng chia sẻ với BBC và góp ý với nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam nên thay đổi chính sách và sách lược, đặc biệt liên quan cụm từ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Gọi việc thay đổi chính sách ấy, nếu được chấp nhận, là một niềm ‘hạnh phúc của dân tộc’, kinh tế gia Tôn Thất Thông nêu quan điểm:
https://i1.wp.com/ichef.bbci.co.uk/news/ws/640/amz/worldservice/live/assets/images/2016/01/29/160129130936_vietnam_party_congress_640x360_khamgetty.jpg
“Định hướng xã hội chủ nghĩa nó hoàn toàn mâu thuẫn với việc phát triển kinh tế thị trường… Tất nhiên bây giờ phải từ bỏ chủ trương là thành phân kinh tế nhà nước trở thành chủ đạo, nếu không thì kinh tế tư nhân sẽ không thể ngóc đầu lên nổi.
“Mà kinh tế nhà nước áp đảo như vậy chúng ta đều thấy rồi, tất cả các nước trên thế giới đều bị phá sản bởi chính sách đó, thế thì nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi theo như thế… và tất nhiên chúng ta không thể đòi hỏi là đảng cộng sản phải tuyên bố từ bỏ chuyện đó, nhưng mà không nên thực hiện nó. Chúng ta (Việt Nam) bây giờ cứ im lặng với nhau và chấp nhận với nhau như thế, thế là hai bên đều vui vẻ.”
Và kinh tế gia nói này thêm:
“Nếu chúng ta âm thầm với nhau đồng ý để từ bỏ điều đó thì tôi gọi đó là một hành phúc lớn của dân tộc, nếu đằng sau Đảng Cộng sản chịu chấp nhận chuyện từ bỏ nó, chúng ta không đòi hỏi phải tuyên bố, nhưng mà sẽ chấp nhận.
“Bởi vậy cho nên những nhà chính sách, nhà lập chính sách kinh tế nếu dựa vào chuyện phát triển kinh tế thị trường, thì cứ phát triển kinh tế thị trường, quên đi cái vế gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa, thì như vậy đấy đã là hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam rồi,” chuyên gia kinh tế Tôn Thất Thông từ CHLB Đức nói với BBC.
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét