Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Đại gia Ninh Bình xây siêu dự án Hồ Núi Cốc Thái Nguyên giàu cỡ nào?

 Doanh nhân Nguyễn Văn Trường được biết đến là một tỷ phú kín tiếng, giản dị, ăn chay nhiều năm nay. Ông Trường là người mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, cùng nhiều khu du lịch khác như hồ Đồng Chương, công viên văn hóa Tràng An, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế...
Báo Trí thức trẻ đưa tin, theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, sáng ngày 17/2/2016 (nhằm ngày 10 tháng Giêng) tại Di tích lịch sử văn hoá Đền Gàn, xã Vạn Thọ (huyện Đại Từ), tỉnh Thái Nguyên chính thức tổ chức lễ động thổ xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc.
Tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương,) vốn của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.
Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 03 địa phương: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ gồm các xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương của thành phố Thái Nguyên; thị trấn Quân Chu và các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ, Quân Chu của huyện Đại Từ; xã Phúc Tân của thị xã Phổ Yên.
Diện tích quy hoạch sử dụng đất: khoảng 18.940 ha (trong đó Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha). Dự kiến phân khu chức năng chính của dự án, gồm: Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc. Ngoài ra còn xây dựng 2 cổng chính vào khu du lịch: vị trí 1 tại nút giao đường cao tốc với đường trục chính vào trung tâm thành phố, kết nối với đường vào khu du lịch; vị trí 2 tại nút giao đường phía Tây với Tỉnh lộ 261.
Mục tiêu của nhà đầu tư là sẽ xây dựng đồng bộ Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc nhằm kết nối khu du lịch hồ Núi Cốc với các khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn)… và tạo thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử với khu vực thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tạo thành quần thể khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới trước năm 2025.
Dự án được tỉnh Thái Nguyên giao cho Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp đã thành công với nhiều dự án du lịch tâm linh trên địa bàn cả nước, điển hình như dự án Quần thể khu du lịch Tràng An – Chùa Bái Đính, tại tỉnh Ninh Bình; Khu du lịch Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam. Đây là hai dự án tiêu biểu có vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng; là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế, mang lại những giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đầu tư.
Báo Dân trí đưa tin, theo công bố, dự án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu từ năm 2016 đến năm 2020, nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống đường vào Hồ Núi Cốc dài 21km, hệ thống đường quanh hồ khoảng 35km, hệ thống đường kết nối với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa Thái Nguyên; hệ thống hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thay thế Hồ Núi Cốc nhằm giữ cốt nước bảo đảm cảnh quan Hồ Núi Cốc; xây dựng cổng vào Khu du lịch; xây dựng khu đền thờ và khu Chùa Tháp cao 150m; xây dựng đền thờ Tam Thánh và các hạng mục phụ trợ; xây dựng khu trung tâm đón tiếp, bến thuyền, bến xe điện.
Dự kiến các hạng mục đầu tư trong giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2019 và bắt đầu tổ chức đón khách du lịch, phật tử và nhân dân lễ phật và chiêm bái cảnh quan du lịch trong năm 2019.
Giai đoạn 2 của dự án dự kiến thực hiện trong 15 năm từ năm 2020 – 2035. Nhà đầu tư sẽ xây dựng khu vui chơi, giải trí, khu tiểu cảnh quanh hồ; hệ thống khách sạn, khu Resort cao cấp, khu nghỉ dưỡng cho mọi tầng lớp nhân dân và du khách thập phương; xây dựng khu làng văn hóa du lịch. Mục tiêu chung của dự án là kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh trong vùng, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn tỉnh đặc biệt là du lịch tâm linh và du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đại gia Ninh Bình xây siêu dự án Hồ Núi Cốc Thái Nguyên giàu cỡ nào? - Ảnh 1

Doanh nhân Nguyễn Văn Trường là người mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư. 

Lễ động thổ được tổ chức tại khu vực Đền Gàn. Đây là điểm di tích lịch sử, văn hóa có từ lâu đời, được chính quyền và nhân dân xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên gìn giữ, phát huy và đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tại khu vực Đền Gàn, nhà đầu tư sẽ xây dựng đền có quy mô với hàng loạt các hạng mục, tạo thành quần thể thờ phụng và cảnh quan để du khách và nhân dân thập phương đến chiêm bái.
Tại buổi lễ, nhà đầu tư Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã bày tỏ lòng tự hào được tỉnh Thái Nguyên tạo điều kiện, tin tưởng và giao cho làm chủ đầu tư. Đơn vị cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên để thực hiện các bước đầu tư theo quy định, đảm bảo các công trình, dự án đầu tư đúng tiến độ; bảo đảm quy mô, thẩm mỹ, kỹ thuật theo kế hoạch đặt ra.
Đại gia ẩn mình Nguyễn Văn Trường
Ông Nguyễn Văn Trường sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình, là một doanh nhân nổi tiếng nằm trong nhóm doanh nhân đạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành VCCI khóa V - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư, Giám đốc Khách sạn Hoa Lư, nhưng ông lại là tỷ phú kín tiếng, giản dị, ăn chay nhiều năm nay.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường là người mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, cùng nhiều khu du lịch khác như hồ Đồng Chương, công viên văn hóa Tràng An, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế...
Tỷ phú Xuân Trường cũng vừa đầu tư 200 tỷ hoàn thiện nhà khách 5 sao trên diện tích 20.000 m2. Đây là khách sạn hạng sang theo phong cách Á Đông cổ điển, với nguyên vật liệu chính là các loại gỗ quý hiếm như trắc, cẩm lai, gỗ đỏ...
Công trình này còn có một phòng họp hội nghị cấp cao và phòng ăn uống có sức chứa 1.000 khách, với thiết kế tương đồng nhà khách Tràng An, một công trình nổi tiếng khác của Ninh Bình.
Ông cũng được biết đến với việc chi 100.000 USD, đích thân sang Ấn Độ đón Ngọc xá lợi về Việt Nam. Ở Nội Bài, ông đã sắp xếp thuê 3 chiếc xe Limousine, Hummer, Lincoln để chở xá lợi và cao tăng về Ninh Bình. Bất cứ việc nào có lợi cho di sản và du lịch ở Ninh Bình, ông Trường đều sẵn sàng làm. Hội thảo về cố đô Hoa Lư, lễ hội, hội nghị xúc tiến, ông âm thầm đứng sau tài trợ.
Theo chia sẻ của ông, niềm vui lớn nhất là hàng ngàn người dân Gia Viễn có việc làm, thu nhập ổn định khi quần thể hang động Tràng An và khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính đi vào hoạt động. Chèo đò, chạy xe ôm, bán hàng, chụp ảnh... những thứ việc đó thu nhập gấp 10 lần trồng lúa.
Ngọc Anh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét