Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Doanh nghiệp bị đổ đất 'bít cửa' có thể đòi bồi thường

Theo các luật sư, hành động đổ đất trước cửa doanh nghiệp để đòi nợ của Công ty Tân Đức vi phạm luật cạnh tranh và tạo tiền lệ xấu cho xã hội.

Dù phía Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức đã tạm thời chấp thuận dọn đất đá, dỡ rào chắn sau một tuần "bao vây" Công ty Tango Candy vì doanh nghiệp Nhật không đồng ý đóng mức phí duy tu hạ tầng 10.018 đồng một m2 mỗi năm mà chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Đức đưa ra, nhưng theo các luật sư, hành động của phía Tân Đức có dấu hiệu lạm quyền, vi phạm Luật cạnh tranh và có thể bị đòi bồi thường thiệt hại.
viec-do-dat-truoc-cua-doanh-nghiep-de-doi-no-co-dau-hieu-vi-pham-phap-luat
Công nhân Công ty Tango Candy phải leo qua núi đất đá mới vào làm việc được.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, đây là vụ việc cần xem xét lỗi giữa các bên một cách chính xác. Tuy nhiên, việc khu công nghiệp dùng biện pháp chặn cửa doanh nghiệp để đòi tiền là cách hành xử thiếu văn hóa. Điều này khiến cho hình ảnh của Việt Nam thiếu chuyên nghiệp trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi mà quốc gia ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới. Mặt khác, sau sự việc, khu công nghiệp còn chịu tổn thất lớn không chỉ vì mất uy tín mà còn phải bồi thường nếu doanh nghiệp bị thiệt hại.
"Việc này tạo tiền lệ xấu trong hoạt động kinh doanh nên cần được xử lý dứt khoát. Mọi tranh chấp nếu không thể giải quyết được bằng thương lượng, hòa giải thì tốt nhất doanh nghiệp nên đưa ra các cơ quan tài phán như tòa án, trọng tài để giải quyết”, ông Hậu nói
Đồng quan điểm với luật sư Hậu, TS - Luật sư Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa luật Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, sự việc này là lỗi ở cả hai bên. Tuy nhiên, hành xử của phía Công ty Tân Đức đáng trách và cần lên án. Bởi lẽ, đây là hành động không tuân theo pháp luật, việc đổ đất trước cửa doanh nghiệp đòi phí là sự việc mang tính áp đặt, độc quyền dẫn tới hành vi vi phạm là lạm quyền. Thứ 2, Tân Đức vi phạm Luật cạnh tranh 2014, cụ thể là điều 13, 14 trong luật cạnh tranh vì lối hành xử không văn minh, cản trở hoạt động kinh doanh của người khác gây tổn thất cho doanh nghiệp. Hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội, nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng sẽ gây ra hậu quả lớn. 
Còn theo Luật sư Hà Hải - Đoàn Luật sự TP HCM, xét về khía cạnh pháp lý, hành vi của hai bên đều không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Điều 29 và Điều 56.2 Bộ luật tố tụng dân sự, nếu Công ty Tân Đức cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, Công ty hoàn toàn có quyền khởi kiện ra toà án thẩm quyền hoặc Trung tâm trọng tài (nếu các bên có ghi nhận giải quyết tranh chấp bằng chế định trọng tài trong hợp đồng) yêu cầu thanh toán tiền thuê. 
Hành vi cho người đổ đất chắn lối đi gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh, ngoài việc có thể phải bồi thường còn gây cản trở giao thông và bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính.
Riêng phía doanh nghiệp Nhật, nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại, cụ thể bị thu phí quá cao so với thoả thuận ban đầu thì phải khởi kiện ra tòa án thẩm quyền, chứ không nên trì hoãn thanh toán gây thiệt hại cho Tân Đức, khiến Tân Đức bức xúc thực hiện hành vi trên. 
Việc cả hai bên ngán ngại đưa nhau ra chốn "công đường" khi tranh chấp và chọn cách hành xử như Tân Đức hay công ty Nhật cũng có thể hiểu độ tin cậy vào cơ quan thẩm quyền chưa cao và hậu quả trước mắt là dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, trong khi Nhà nước đang có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài để vực dậy nền kinh tế.
Ngày 21/3, hàng trăm công nhân của Tango Candy đã phải leo qua các đống đất đá, rào chắn mới vào công ty làm việc được vì cổng chính bị chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Đức (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho đổ hàng chục tấn đất đá, đặt ngang trụ điện "bao vây" khiến mọi hoạt động chuyên chở hàng hóa vào công ty này đều bị ngưng trệ. Ngoài việc dùng rào chắn và đất đá bịt kín các lối đi, Công ty Tân Đức còn cắt nước của Tango Candy suốt 9 ngày.
Nguyên nhân được phía khu công nghiệp đưa ra là công ty Nhật không chịu đóng phí hạ tầng 491 triệu đồng. Ngược lại, phía Tango Candy thì cho rằng, khu công nghiệp chưa minh bạch. Vì năm 2007 khi họ bắt đầu vào hoạt động tại khu công nghiệp Tân Đức thì trên hợp đồng không ghi cụ thể con số phí duy tu cơ sở hạ tầng. Đến năm 2013 thì họ bắt đầu thu với mức phí rất cao nên công ty thấy bất hợp lý và không đóng. Hiện có 33 doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Tân Đức cũng không chịu đóng mức phí mà phía Tân Đức yêu cầu. Theo tính toán của Tango Candy, suốt thời gian bị "bít cửa", mỗi ngày công ty chịu thiệt hại 15.000 USD.
Chiều 25/3, sau buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh Long An với Công ty cổ phần đầu tư Tân Đức và Tango Candy, Ban quản lý khu công nghiệp Tân Đức đã tiến hành tháo dỡ các rào chắn, xúc đất đem đi. Theo ông Nguyễn Văn Tiều, Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, tới nay cả hai đơn vị trên vẫn chưa thống nhất về mức phí duy tu dù đã 3 lần đàm phán. Hiện Công ty TNHH Tango Candy đã nhờ công an ghi nhận tình hình trong khi Công ty Tân Đức gửi đơn lên TAND nhờ giải quyết tranh chấp.
Thi Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét