Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Bí thư Thăng: Dẹp loạn, chi nghìn tỷ thẩm mĩ vỉa hè

- Thay mặt vỉa hè, lát đá hoa cương, chỉnh trang đô thị theo lệnh Bí Thư Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong.

Thông tin cho biết, ngày 26/3, UBND Q.1 (TP.HCM) thống nhất kế hoạch chỉnh trang đô thị, tiến hành lót đá hoa cương, đồng bộ hóa hạ tầng tất cả các tuyến đường trên địa bàn.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết hiện trên địa bàn Q.1 có 936.000 m2 vỉa hè thuộc 134 tuyến đường do UBND Q.1 quản lý. Ngoài những tuyến  phố đi bộ đã được cải tạo, còn lại đều trong tình trạng xuống cấp, không đảm bảo mỹ quan đô thị.
Bi thu Thang: Dep loan, chi nghin ty tham mi via he
Ảnh Thanh niên
Ông Hải cho biết thêm, ngay trong năm 2016, quận sẽ chỉ đạo đồng bộ cơ sở hạ tầng, cải tạo vỉa hè tất cả với 134 tuyến đường bằng đá hoa cương Bình Định. Kinh phí ước tính khoảng 1.000 tỉ đồng, được huy động từ doanh nghiệp và quận sẽ bố trí ngân sách trả trong 5 năm.
Ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1, cho biết ngoài việc cải tạo vỉa hè, quận tiến hành xây mới 89 chung cư cũ trên địa bàn. Quận sẽ bố trí những khu vực phù hợp dành cho người buôn bán hàng rong được bán theo giờ, đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường.
Trước đó, tại Hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT chiều 27/2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có chỉ đạo trả lại vỉa hè cho người đi bộ. “Vỉa hè thì đem cho thuê nhưng người dân đi xuống lòng đường thì đề xuất phạt. Toàn bộ vỉa hè thành đường đi xe máy với nơi kinh doanh buôn bán, người dân đi vào đâu?” - ông Đinh La Thăng nêu vấn đề này tại hội nghị.
Sau đó, ông đã yêu cầu: “Tôi yêu cầu chấm dứt ngay việc cho thuê lòng đường vỉa hè để kinh doanh buôn bán, đỗ xe... Còn chỗ nào mà thấy cho phép sử dụng vỉa hè lòng đường được thì cho luôn, không thu phí nữa”.
Đây được xem là lời tuyên chiến của ông Thăng trong cuộc chạy đua đòi lại lòng đường, vỉa hè cho người đi bộ.
Từ dẹp loạn trộm cướp tới tuyên chiến với thực phẩm bẩn độc
Lời tuyên chiến với nạn cướp giật được xem là nhiều thách thức, khó khăn với cương vị tân Bí thư Thành ủy HCM - ông Đinh La Thăng.
Tại phiên họp với Ban Giám đốc Công an TP.HCM về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chia sẻ với nỗi lo sợ cướp giật của người dân, ông Thăng chỉ đạo Công an TP tăng cường sức mạnh tổng hợp, kết hợp nhiều mô hình phòng chống tội phạm, khuyến khích người dân tham gia và có cơ chế khen thưởng cho họ; kiên quyết xử lý tệ nạn ma túy, nghiện hút “vì đây là một trong những nguồn gốc của các loại tội phạm”; tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực để bám sát địa bàn...
“Đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, môi trường kinh doanh lành mạnh là nhiệm vụ quan trọng. TP.HCM hướng đến văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì phải dẹp sạch tệ nạn ma túy, cướp giật, trộm cắp”, ông Thăng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông đã gợi ý cho Công an TP có thể tái lập lực lượng săn bắt cướp hiệu quả như trước đây để có thêm một lực lượng phản ứng nhanh, góp phần bảo vệ an ninh cho người dân, du khách. “Cuộc sống người dân đầy đủ, no ấm nhưng lúc nào cũng thấp thỏm lo âu về trộm cắp, cướp giật thì không thể là TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình được”, ông Thăng nói.
Bí Thư thành ủy TP.HCM hạn cho Công an TP trong vòng 3 tháng phải kéo giảm tỉ lệ tội phạm.
Mới đây nhất, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ sáng 26/3, ông Đinh La Thăng được cho là đã bắt đầu tuyên chiến với nạn thực phẩm bẩn độc gây nhức nhối thời gian qua.
Ông đặt thẳng vấn đề: “Sao dân vẫn ăn bẩn?” khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến Báo cáo “Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành thời gian qua được thực hiện khá tốt”.
“Nói các bộ phối hợp với nhau tốt. Phối hợp tốt tại sao dân vẫn phải ăn bẩn? Vậy thì tốt cái gì? Nói thế là không được, nói thế khác gì cứ bảo dân tiếp tục ăn bẩn đi, đợi bộ có lộ trình. Tôi đề nghị cần có biện pháp quyết liệt ngay!”.
Đặt vấn đề xong, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ cho TP.HCM thí điểm thành lập một cơ quan trực thuộc UBND thành phố để lo việc này, tức chỉ cần tập trung vào một đầu mối cho dễ quản lý và tránh được tình trạng “bộ này đổ cho bộ kia”.
Thái An (tổng hợp)

VN có nữ tỷ phú USD đầu tiên, bầu Đức bớt buồn

 Việt Nam có nữ tỷ phú đô la đầu tiên, đại gia Khải Silk với những nhà hàng trị giá triệu USD, bầu Đức bớt buồn về cổ phiếu.

Tỷ phú “hàng không bikini” Việt Nam
Thông tin bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air sắp có tài sản ròng lên tới 1 tỷ USD được rất nhiều người quan tâm những ngày qua. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận một tỷ phú đô la Mỹ. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở độ tuổi còn rất trẻ, 45 tuổi.
Phần lớn tài sản của bà Thảo tới từ cổ phần tại Vietjet và khu bất động sản rộng 65 hecta Dragon City ở TP Hồ Chí Minh.
Bà Thảo cũng có một lượng lớn cổ phần tại 3 khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam gồm Furama Resort Đà Nẵng, Evason Ana Mandara Nha Trang và Ninh Vân Bay.
VN co nu ty phu USD dau tien, bau Duc bot buon
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air
Cuối cùng, thông qua công ty của mình bà Phương Thảo còn nắm giữ 20% cổ phần tại HDBank - ngân hàng được xác định có khối tài sản lên tới 4,6 tỷ USD vào năm ngoái.
Hiện bà Thảo đang nắm giữ vị trí Phó chủ tịch ngân hàng này với 225 chi nhánh và hơn 10.000 nhân viên trên khắp cả nước.
Theo dự báo, nếu VietJet Air IPO, bà Thảo sẽ có tổng tài sản hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, người phụ nữ quyền lực này nói rằng “Tôi không bao giờ ngồi và tính toán tài sản của mình.
Tôi chỉ tập trung vào việc làm thế nào thúc đẩy tốc độ phát triển của công ty, làm sao để tăng lương cho nhân viên, làm thế nào để Vietjet có thể giành được nhiều thị phần hơn và làm sao để chúng tôi có thể trở thành hãng hàng không số 1".
Đại gia Khải Silk và những lâu đài triệu đô rải khắp Sài thành
Một doanh nhân khác cũng nổi tiếng về độ chịu chơi, đó là cái tên Khải Silk từng gắn với lâu đài Tamasago, những nhà hàng siêu đẹp Charm Charm, Ming Dinasty, những kiến trúc tuyệt đẹp như Parkson Paragon, Au Manoir de Khai.....
Tất cả những công trình kiến trúc của Khải Silk đều được ví như những viên ngọc quý điểm xuyết cho vẻ đẹp của Sài Gòn và chính ông là tổng công trình sư của chúng.
Mới đây Khải Silk lại vừa gây nên "cú sốc" cho thị trường địa ốc Sài Gòn khi ông công bố kế hoạch rót tới 40 triệu USD để tạo ra 2 công trình độc đáo ngay giữa trung tâm Phú Mỹ Hưng.
VN co nu ty phu USD dau tien, bau Duc bot buon
Đại gia Khải Silk
Theo thiết kế mà ông chủ Khải Silk tiết lộ, The Khai Tower là cao ốc 18 tầng, có diện mạo như một dải lụa mềm mại, mang dáng dấp lụa Khaisilk.
Ngay sát bên, vị doanh nhân này cũng sẽ đầu tư tiếp tòa nhà The Price 20 tầng được thiết kế như những quyển sách chồng lên nhau.
Sự giàu có chỉ là một phần nho nhỏ làm nên sự đặc biệt của Khải Silk. Vị đại gia bí ẩn và tinh tế như một nghệ sĩ tài hoa này còn khiến nhiều người phải trầm trồ thán phục.
Myanmar Plaza đông đúc, bầu Đức có bớt buồn
Trong khi đó, bầu Đức lại nhận được tin vui khi HAGL Myanmar Centre lúc nào cũng đông như kiến. Chỉ sau vài tháng chính thức khai trương, trung tâm thương mại có diện tích 192.000 m2 sàn đã lấp đầy 99% với giá cho thuê trung bình khoảng 50 USD/m2.
Toàn bộ mặt tiền trung tâm cũng được 16 công ty thuê treo biển quảng cáo với giá từ 35.000 - 42.000 USD/tháng tùy vị trí.
Riêng đối với tòa nhà văn phòng, hiện 60% diện tích đã được ký hợp đồng và giữ chỗ với những thương hiệu lớn trong ngành dầu khí, viễn thông, ngân hàng như BIDV, Huawei, CB Bank, Yoma Bank, Mussui,...
VN co nu ty phu USD dau tien, bau Duc bot buon
TTTM Myanmar Plaza của HAGL
Nếu trước đây, khách du lịch tới Yangon thường bị lôi cuốn bởi những khu di tích như chùa vàng Shwedagon, 19th street ở downtown… thì bây giờ, họ đã có thêm một điểm đến không thể bỏ qua: Myanmar Plaza.
Khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp Hoàng Anh Gia Lai được xây dựng trên diện tích 8 ha ngay tại thủ đô Yangon, Myanmar, với số vốn khoảng 400 triệu USD.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, cho biết doanh thu của HAGL Myanmar Centre từ khi đi vào hoạt động đến nay đạt khoảng 40 triệu USD. Trung bình mỗi năm, tập đoàn sẽ “bỏ túi” 60 triệu USD từ dự án này.
Có lẽ việc lấp đầy chỗ trống, chắc hẳn sẽ giúp bầu Đức bớt đau đầu khi cổ phiếu HAGL đang loanh quanh ở mức giá 8.000 đồng.
Đại gia chi 2 nghìn tỷ mua KS Daewoo
Trong khi đó, mới đây, tin tức việc đại gia khoáng sản mang 94 triệu đô (tương đương hơn 2 nghìn tỷ đồng) mua lại 70% cổ phần của khách sạn Daewoo khiến nhiều người “choáng ngợp”.
Đây cũng được coi là thương vụ có giá trị cao nhất của đại gia Hợp Thành, trong khá nhiều “tài sản” có giá trị hàng trăm tỷ đồng khác.
Ngoài trở thành ông chủ mới của khách sạn Daewoo, Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Hợp Thành còn là chủ sở hữu của một loạt bất động sản, công ty khai thác khoáng sản, cổ phần cảng Đình Vũ...

Ngoài ra còn rất nhiều khối tài sản khác như Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du, 9 tầng, trên diện tích đất gần 600 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 290 tỷ đồng.
Một dự án “khủng” khác là Dự án Đầu tư xây dựng Tổ hợp kinh doanh phát triển công nghệ tin học MITEC, nằm tại khu vực Cầu Giấy, trên diện tích 1,01 ha; tổng mức đầu tư khoảng 850 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà máy chế biến quặng sắt Bình Định 400.000 tấn/năm tại Bình Định đang được triển khai với tổng mức đầu tư 686 tỷ đồng.
Trong danh sách danh mục đầu tư của công ty này còn có nhà máy tuyển Quặng sắt Vũ Quang tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 181 tỷ đồng.
Tài sản kếch xù của chồng đại gia người mẫu Trang Lạ
Sau nhiều năm hẹn hò, ngày 19/3 vừa qua, người mẫu Trang Lạ đã lên xe hoa cùng người chồng Việt kiều Pháp - Nguyễn Tiễn Chánh. Hình ảnh đám cưới và cuộc sống, công việc thường ngày đã phần nào hé lộ chồng của nữ người mẫu này có khối tài sản đáng nể.
Chồng mới cưới của người mẫu Trang Lạ là một bác sĩ - chuyên gia dinh dưỡng khá nổi tiếng đã xuất bản nhiều cuốn sách hay về chế độ dinh dưỡng và trọng lượng. Hiện nay, chồng đại gia của Trang Lạ có một phòng khám tại Paris.
Người mẫu Trang lạ lấy chồng đại gia
Anh có công ty Ideal Protein sản xuất các loại thuốc giảm cân tại Pháp và thường xuyên có các bài giảng về dinh dưỡng ở nhiều nước khác nhau, đặc biệt là ở khu vực Bắc Mỹ.
Quản lý của Trang Lạ tiết lộ, chồng siêu mẫu -Trần Tiễn Chánh là người giàu có, thành đạt nhưng rất khiêm tốn, không thích phô trương.
Trong ngày trọng đại, Trang Lạ diện Soiree cưới của NTK Trương Thanh Hải. Trong khi đó, chồng mới cưới của siêu mẫu lịch lãm trong bộ vest hàng hiệu Dior.
Ngoài sở hữu phòng khám, công ty riêng, biệt thự hoành tráng, thông tin trên báo Saostar cho biết, đại gia Trần Tiễn Chánh còn sở hữu một chiếc trực thăng để thuận tiện khi di chuyển.
Ngân Giang (Tổng hợp)

Con đường "xây dựng cơ đồ" của chủ hệ thống 38 siêu thị Kids Plaza

Bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ, nằm ở tầng trên của một cửa hàng thời trang để có thể tiết kiệm chi phí mặt bằng, sau gần bảy năm, Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Điều hành Hệ thống siêu thị Kids Plaza, đã sở hữu chuỗi siêu thị đồ dùng mẹ và bé lan rộng trên cả nước và có quy mô lớn nhất nhì Việt Nam.
Ông bảo, hành trình của mình khởi phát từ một "đại dương xanh", và trước khi đại dương ấy hóa đỏ, Kids Plaza phải tạo được những giá trị kinh doanh riêng để có thể giữ chân khách hàng. Chiến lược ông chọn cho đứa con tinh thần của mình là vừa đẩy mạnh phát triển chuỗi, vừa dốc sức đầu tư cho "kidser" - những người đang góp sức đưa Kids Plaza phát triển lớn mạnh.
Gặp ông chủ của hệ thống 38 siêu thị Kids Plaza tại TP.HCM, ấn tượng đầu tiên về vị doanh nhân đất Bắc này là sự giản dị. Không chỉ đơn giản trong trang phục, cả cách ông nói chuyện, chia sẻ về những ấp ủ với thương mại điện tử nước nhà cũng rất chân thành.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 2, khoa Công nghệ thông tin, khi được hỏi vì sao không làm giáo viên mà lại kinh doanh, ông Đỗ Văn Tuấn chỉ cười. Nhận thấy tiềm năng thương mại điện tử ở Việt Nam rất lớn, lại sẵn có kiến thức về công nghệ, ông quyết định đem ra ứng dụng, bắt đầu bằng xây dựng thương hiệu trên các diễn đàn.
Thời điểm năm 2007, bộ sách Dạy con làm giàu được chuyển ngữ sang tiếng Việt, tạo nên một làn sóng hâm mộ lớn. Bộ sách này cũng ảnh hưởng không ít đến Đỗ Văn Tuấn. Tuy nhiên, khác với những độc giả khác, ông còn tìm thấy cơ hội kinh doanh sau trang sách.
Ông kể: "Trong bộ sách có đề cập đến bộ trò chơi "Game Cashflow" (Trò chơi dòng tiền), ở nước ngoài, bộ trò chơi này được bán với giá khá đắt. Biết là phần đông người Việt sẽ không chạm đến được bộ trò chơi này, dù rất thích, tôi đặt hàng các đơn vị trong nước sản xuất bộ trò chơi này và bán trực tuyến. Lúc đó, tôi không nghĩ đây là cơ hội kinh doanh mà chỉ đơn giản là sản xuất để nhiều người, trong đó có mình và người thân, có thể thực hành những kiến thức trong trò chơi này".
Đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, 5.000 bộ "Game Cashflow" làm ra được tiêu thụ sạch. Thế nhưng, sự đón nhận của thị trường cùng với khoản lợi nhuận có được không làm Đỗ Văn Tuấn hài lòng. Ông cảm thấy ray rứt do biết điều mình làm là sai vì đã vi phạm bản quyền, lợi dụng tài sản trí tuệ của người khác. "Tôi quyết định dừng lại. Một quyết định không dễ dàng khi phải đặt lợi nhuận và lòng tự trọng ở hai đầu của một cán cân", ông trải lòng.
Khép lại việc kinh doanh "Game Cashflow", Đỗ Văn Tuấn trở về với việc làm thuê, tiếp tục trăn trở tìm đường lập thân. Rồi ông may mắn được một thành viên thuộc Diễn đàn "Dạy con làm giàu" tặng cuốn sách Chiến lược đại dương xanh của hai tác giả W. Chan Kim và Renée Mauborgne. Cuốn sách ấy chính là kim chỉ nam đưa ông đến với việc thành lập Kids Plaza.
Ngày đó, dù chưa lập gia đình nhưng mỗi khi nhìn các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ ở một cửa hàng chuyên bán đồ ngoại nhập ở gần nhà, Đỗ Văn Tuấn đều cảm thấy thích thú. Quan sát thị trường, ông thấy hầu hết đồ dùng cho trẻ em ở Việt Nam thời điểm đó không những chất lượng rất kém mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phần lớn đồ chơi, thức ăn, đồ dùng... đều là hàng Trung Quốc, hàng trong nước thì kém chất lượng...
Thực tế này đã vẽ ra cho ông con đường rộng mở: Kinh doanh những sản phẩm an toàn cho bà mẹ và trẻ em. Vừa đi làm, Tuấn vừa tìm mua các sản phẩm dành cho mẹ và bé ở các phố bán hàng "xách tay" rồi rao bán trên trang web của mình. Dần dà, chủng loại sản phẩm được Tuấn mở rộng thêm.
Tuy nhiên, dù mua trực tuyến nhưng đòi hỏi lớn nhất của khách vẫn là đến cửa hàng để có thể chọn lựa. Nhu cầu này thúc đẩy Tuấn cùng bạn bè dốc vốn đầu tư cửa hàng kinh doanh truyền thống sau ba tháng thử sức với thương mại điện tử. "Chỉ những người dám nghĩ dám làm mới có thể trở nên giàu có!", ông nói vậy.
Những ngày đầu, Kids Plaza chỉ là một căn phòng nhỏ diện tích chưa đầy 30m2, ở tầng 3, số 22 Thái Thịnh, nhưng khách đến mua hàng rất đông. "Những gì học được từ Diễn đàn dayconlamgiau.com tôi đã áp dụng thành công với website bán hàng www.mevabe.com và sau này là www.kidsplaza.vn", Tuấn chia sẻ.
Sau 8 tháng làm việc tại căn phòng này, ông cùng bạn đồng hành quyết định thuê trọn căn hộ. Địa chỉ 22 Thái Thịnh trở thành "căn cứ địa" đầu tiên của Kids Plaza. Kids Plaza Thái Thịnh đạt doanh số 1 tỷ đồng vào tháng 6/2010. Và đó cũng chính là lúc Đỗ Văn Tuấn tìm thêm địa điểm, bắt đầu hành trình đưa Kids Plaza trở thành một hệ thống...
* Xác định từ đầu là sẽ dùng kiến thức công nghệ học được để ứng dụng vào thương mại điện tử, nhưng hình như cơ chế kinh doanh hiện nay của Kids Plaza vẫn là kinh doanh truyền thống?
- Đúng là tôi khởi nghiệp chỉ kinh doanh bằng thương mại điện tử, nhưng càng tiếp cận khách hàng càng thấy thói quen đi mua sắm vẫn giữ vai trò rất lớn. Đến thời điểm hiện nay, khi internet đã phần nào chi phối đời sống, người Việt vẫn thích được "mắt nhìn tay sờ". Tôi nghĩ mình nên kết hợp cả thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống. Chính quyết định này đã giúp Kids Plaza có sự phát triển đột phá sau những ngày đầu chỉ bán trực tuyến, tạo nền tảng cho tôi mạnh dạn hơn với giấc mơ phát triển Kids Plaza thành chuỗi siêu thị.
* Gần bảy năm trên thương trường, theo ông, điều gì khiến Kids Plaza có thể đạt tốc độ phát triển nhanh như hiện nay?
- Không chỉ Kids Plaza, những siêu thị kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé khác cũng có tốc độ phát triển khá nhanh. Đặc trưng của sự phát triển dân số Việt Nam hiện nay là thế hệ 7x, 8x - chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số, bước vào thời kỳ lập gia đình và sinh con, đã tạo nên "thời điểm vàng" cho thị trường kinh doanh sản phẩm an toàn cho mẹ và bé.
Nhu cầu các mặt hàng này hiện nay rất lớn và sẽ còn tăng trong vài năm tới. Đây là thời cơ không phải quốc gia nào cũng có được và có lẽ rất lâu sau này thị trường Việt Nam mới lại có được thời điểm tốt như thế. Dù đang phát triển rất nhanh nhưng các thương hiệu trong lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục dốc sức để mở rộng. Kids Plaza cũng không ngoại lệ.
Ngoài yếu tố thị trường, sự cảm thông và chân thành với người dùng sẽ là chìa khóa để các thương hiệu cạnh tranh. Ai cũng biết, đối tượng mẹ và bé là khách hàng cần sự chăm sóc và thấu hiểu nhiều nhất.
Lúc Kids Plaza bắt đầu kinh doanh, nhiều người đã ngạc nhiên vì sao chúng tôi có thể áp dụng chính sách giao hàng miễn phí với hóa đơn trên 400.000 đồng, hay có chính sách cho đổi, trả hàng thoải mái.
Các bà mẹ có con nhỏ tất nhiên là thiếu thời gian để chạy đến cửa hàng, hay khó khăn trong việc mang hàng về nhà. Trẻ con thì sự phát triển và sở thích của chúng "muôn hình vạn trạng" nên sản phẩm dành cho chúng không thể nào đúng y kích cỡ. Kids Plaza lắng nghe những nhu cầu này để có thể tạo sự thoải mái nhất cho khách hàng khi mua sắm ở cửa hàng chúng tôi.
Yếu tố cuối cùng là giá cả. Các mẹ "bỉm sữa" thường hay thích thú khi mua được một món đồ rẻ hơn người khác, dù chỉ vài nghìn đồng. Chấp nhận lợi nhuận ít hơn một chút nhưng bù lại Kids Plaza chinh phục được số đông.
Chúng tôi phát triển nhờ những "chiêu thức" nhỏ nhặt nhưng hết sức thiết thực như thế. Quyền lực của thị trường không thuộc về người bán mà thuộc về người mua. Hãy cứ chân thành với khách hàng, họ sẽ giúp bạn phát triển, tôi quan niệm thế!
* Những ngày đầu, Kids Plaza chinh phục khách hàng với những sản phẩm nhập từ những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức... và có độ an toàn cao. Nhưng nay, tại Kids Plaza đã thấy sự lấn át của các thương hiệu đến từ các quốc gia lân cận?
- Khách hàng hiện nay đã suy nghĩ rất khác và khách thuộc phân khúc cao cấp cũng không nhiều. Nếu chỉ chú trọng đối tượng này, người kinh doanh sẽ tự đánh mất cơ hội của chính mình.
Tuy mở cửa đón nhận những thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Đài Loan..., nhưng chính bản thân tôi cũng chọn lựa từng sản phẩm, cân nhắc rất kỹ và phải biết chắc sản phẩm đó có chất lượng tốt mới đưa vào hệ thống của mình.
Trước khi là doanh nhân, tôi là một ông bố "nghiện" con. Các con của tôi sử dụng sản phẩm do tôi phân phối nên tôi phải đảm bảo những gì tốt nhất cho những vị khách hàng nhí ấy. Đó là lý do Kids Plaza đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu trong việc nhập khẩu sản phẩm.
Không chỉ có sản phẩm từ Đài Loan, Hàn Quốc..., chúng tôi cũng phân phối nhiều sản phẩm "Made in Vietnam". Chúng ta sẽ có nền sản xuất đủ tốt nếu nghiêm túc trong kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Trong năm vừa qua, tôi có thử nghiệm sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu riêng Kiza. Quần áo, nôi, cũi, đai địu... thương hiệu Kiza được khách hàng đón nhận rất tốt vì tôi tận dụng thế mạnh ngành may mặc và sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam.
Ngoài ra, Kiza cũng có dòng sản phẩm điện tử như máy hâm sữa, máy tiệt trùng bình sữa... đặt hàng sản xuất từ "công xưởng của thế giới". Như đã nói, tôi không đặt nặng vấn đề sản phẩm sản xuất ở đâu mà coi trọng việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa chúng đến tay người dùng.
Xu hướng kinh doanh của thế giới hiện nay là cắt bỏ khâu trung gian. Amazon hay Walmart đều đang làm việc trực tiếp với nhà sản xuất. Tôi nghĩ mình sẽ phát triển theo hướng này.
* Chỉ trong năm 2015, Kids Plaza phát triển thêm 37 cửa hàng trên toàn quốc. Tốc độ phát triển như vậy có quá nhanh? Liệu ông đã đủ thời gian để chuẩn bị cho vấn đề quản trị khi doanh nghiệp tăng trưởng nóng như thế?
- Đúng là áp lực lớn nhất hiện nay của Kids Plaza là vấn đề tăng trưởng. Nếu tăng trưởng quá nhanh mà không quản trị tốt thì dễ "đứt tay" vì đó là con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, tôi cho rằng doanh nghiệp nào cũng sẽ có giai đoạn phát triển nóng. Và áp lực là điều tốt thúc đẩy con người cố gắng nhiều hơn để có thể vượt qua chính bản thân mình.
Nếu sức tôi chỉ có một, tôi sẽ đặt ra mục tiêu cho mình là ba để có thể dốc cạn sức lực mà hoàn thành. Nếu chẳng may không được ba, ít nhất tôi cũng đạt được hơn một, nghĩa là cũng vượt qua được bản thân mình.
Mục tiêu tôi đặt ra trong năm 2016 là Kids Plaza sẽ phát triển thêm 70 cửa hàng nữa. Chúng tôi đang cật lực lao động để đạt mục tiêu này.
* Nhưng mục tiêu đó là nhằm phát triển cơ nghiệp của ông, còn nhân viên chỉ là những người làm công ăn lương...
- Kids Plaza hiện vẫn chưa đủ tiềm lực để trả lương cao nhưng chúng tôi lại giàu tinh thần lạc quan. Lợi ích lớn nhất mà những "kidser" có được là suy nghĩ tích cực và tinh thần phấn đấu không ngừng khi tham gia vào ngôi nhà chung Kids Plaza. Để có được điều này, tôi thường tài trợ cho nhân viên tham gia các khóa học để họ có thể mở rộng nhận thức, kỹ năng.
Bản thân tôi cũng thường dành thời gian tham gia các khóa học, những buổi chia sẻ của các doanh nhân thành đạt để hiểu biết hơn về quản trị, điều hành... Kiến thức lĩnh hội được, tôi cũng chia sẻ lại trong những buổi sinh hoạt với nhân viên. Một công ty vận hành cũng như một đội bóng ra sân, tất cả mọi thành viên đều phải có thực lực thì mới có thể ghi bàn.
* Ngoài chăm lo cho Kids Plaza, ông có kế hoạch gì riêng cho bản thân?
- Có một mục tiêu tôi luôn theo đuổi là phát triển nhận thức cho bản thân. Đầu tư cho một dự án có thể thành hay bại, nhưng đầu tư cho trí óc không bao giờ thừa. Mọi thứ sẽ theo sau mình nếu mình có tri thức và khát khao làm việc.
Tôi vẫn nói với nhân viên, khi không còn muốn học nữa thì đó là lúc chúng ta tụt lại đằng sau. Hai con tôi còn quá nhỏ để có thể nhận thức được điều này nhưng đó sẽ là điều tôi nói với con nhiều nhất khi chúng trưởng thành.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
phương quyên (doanhnhansaigon)

Đỗ Sơn Dương, CEO, đồng sáng lập Toong: Bỏ lương khủng để khởi nghiệp

Vừa qua tuổi “tam thập nhi lập”, Đỗ Sơn Dương đã quyết định dời bỏ vị trí giám đốc kinh doanh ở Richard Moore Associates để cùng những người bạn xây dựng mô hình không gian làm việc chung (co-working space) chuyên nghiệp đầu tiên ở Hà Nội, có tên gọi là Toong. 7 tháng sau, Toong nhận khoản đầu tư 1 triệu USD từ một tập đoàn trong nước. Chàng CEO thế hệ 8X đã có thêm nguồn lực để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ của mình.
Chỉ mới cách đây ít ngày, Toong chính thức thông báo việc đã nhận được khoảnđầu tư đầu tiên có giá trị 1 triệu USD từ một tập đoàn có kinh nghiệm hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư, bán lẻ và dịch vụ.
Thông tin về nhà đầu tư chưa được tiết lộ, nhưng gặp chúng tôi, Dương bảo, ngay sau khi “họ” thu xếp xong một số vấn đề với các dự án khác, thì danh tính nhà đầu tư này sẽ được công bố. Nhưng điều quan trọng là, khi Toong thông báo ra bên ngoài về việc nhận đầu tư trên, thì “tiền đã về tài khoản”.
“Khoản đầu tư này sẽ dành để đầu tư không gian Toong tại TP.HCM trong thời gian tới”, Dương không giấu giếm kế hoạch của mình và bảo rằng, mong muốn là năm nay sẽ mở tới hai địa điểm ở TP.HCM, nhưng trước mắt, chắc chân nhất sẽ là một. Nhiều khả năng, mùa hè này, Toong TP.HCM sẽ đi vào hoạt động.
doanh nhân Đỗ Sơn Dương, Toong
Doanh nhân Đỗ Sơn Dương
Nếu thế, Toong sẽ có 3 co-working space tại Việt Nam, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động. Tháng 9 năm ngoái, khi Đỗ Sơn Dương cùng các đồng sự của mình ra mắt Toong ở số 8 - Tràng Thi (Hà Nội), với quy mô 750 m2, nhiều người bất ngờ. Quả thực, họ không hiểu thế nào là co-working space. Mô hình ấy dù phát triển khá mạnh trên thế giới, nhưng lại quá mới mẻ ở thị trường Việt Nam. Tất nhiên, ngày càng nhiều người trẻ Việt Nam có thói quen “đóng đô” ở các quán cafe để làm việc, nhưng co-working space là câu chuyện khác hẳn.
“Đó là nơi mà mọi người có thể xách laptop lên và đến”, Dương nói ngắn gọn và bảo, nếu ai đó cần không gian cảm hứng để làm việc thì hãy đến với Toong. Tất cả đã sẵn sàng, từ bàn ghế, các tiện ích thiết yếu để làm việc, kể cả cafe, đồ uống... Nhưng khác với sự gò bó ở văn phòng, không gian làm việc ở Toong hoàn toàn thoải mái và chuyên nghiệp. Trong khi quán cafe không hẳn là nơi làm việc lý tưởng, thì đến với Toong, chỉ cần mở cửa ra, bất kể lúc nào cũng có thể gặp được những nhân vật hay ho cho những cơ hội hợp tác hấp dẫn.
Đó là sự khác biệt lớn nhất, là “phần hồn” của Toong - sự kết nối, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa cộng đồng những thành viên của Toong. Ban đầu, nhiều người nói, Toong sẽ là nơi chốn đi về cho những start-up Việt, nhưng Đỗ Sơn Dương không tự bó hẹp đối tượng khách hàng của mình như thế. Đơn giản, Toong là nơi để những người trẻ luôn căng tràn năng lượng, sức sáng tạo, tìm kiếm những điều mới mẻ... tụ hội và kết nối, chia sẻ với nhau.
“Toong chính là ‘Tổ ong’ - một cái tên Việt nhưng được nhìn dưới góc nhìn của một người trẻ sáng tạo. Đó chính là không gian làm việc chung của những người chuyên nghiệp và sáng tạo”, Dương lý giải về cái tên Toong, mà nếu hình dung, thì sẽ như một tiếng chuông vừa được gõ lên, với âm thanh lan tỏa.
2. 
Thực ra, khoản đầu tư 1 triệu USD mà Toong mới nhận được không phải là khoản đầu tư đầu tiên. Đó cũng không phải là nhà đầu tư đầu tiên tìm đến với Toong.
Còn nhớ, tháng 9 năm ngoái, lúc Toong ở số 8 Tràng Thi ra mắt, khi được hỏi về kế hoạch đầu tư tiếp theo, cũng như mong muốn kêu gọi đầu tư từ các quỹ đầu tư giống như các start-up vẫn thường làm, Đỗ Sơn Dương nói rằng, đã có một số quỹ đầu tư và nhà đầu tư tư nhân quan tâm và muốn đầu tư vào Toong; rằng trước khi nhận cơ hội đầu tư, phải vận hành Toong trong một thời gian nhất định để tìm ra mô hình hoạt động và các phương pháp để hợp tác với các đơn vị khác, không ít người nghi ngờ cho rằng Dương nói xạo. Nhưng thực tế đúng là vậy. 
Chỉ 1 tháng sau khi Toong Tràng Thi ra mắt, “nhà đầu tư thiên thần” đã đầu tư vào Toong 300.000 USD. Khoản tiền này đủ để Toong chuẩn bị cho co-working space thứ hai ở Tô Ngọc Vân, cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2016, với diện tích trên 1.000 m2.
Nhà đầu tư mới cũng thế. Chỉ sau 2 tháng đàm phán, đã quyết định bỏ tới 1 triệu USD. Không ai tìm đến ai, mà là những người có cùng “giấc mơ Tổ ong” đã tìm đến với nhau. “Họ cũng đã từng nghĩ đến một mô hình như Toong, thậm chí cũng đã nghĩ đến những chiếc tổ ong, nhưng lại chưa thể gọi được tên nó ra. Khi đến Toong, họ nhận ra đó là những gì mà họ đã tìm kiếm bấy nay nên quyết định đầu tư rất nhanh”, Dương chia sẻ.
Phải nói là có rất nhiều chữ “duyên” trong câu chuyện thành công ban đầu, cứ tạm cho là thế, của Toong và Đỗ Sơn Dương. Dương kể, ý tưởng đầu tư một co-working space đến rất nhanh, cũng xuất phát ban đầu từ mong muốn của cá nhân mình về một không gian làm việc linh động và thoải mái. Chỉ có một đồng sáng lập khác của Dương là ra nước ngoài tìm hiểu về mô hình này, còn Dương chỉ nghiên cứu qua Internet. Một mô hình còn quá mới, nhưng rồi trực giác - có được sau nhiều năm tháng kinh nghiệm làm việc ở Richard Moore - mách bảo, khiến Dương hiểu rằng, cơ hội thành công là rất lớn
Trực giác lớn đến nỗi, bỏ qua cả việc điều tra thị trường, cả nhóm quyết tâm làm. Chỉ trong vòng 3 tháng, tập trung tìm mặt bằng kinh doanh, lo thiết kế nội thất và thực hiện. Có duyên và những dự cảm về sự thành công là chuẩn xác, thế nên, từ một Toong ban đầu, chuỗi mô hình co-working đang bắt đầu được hình thành.
Giá “chỗ ngồi” làm việc ở Toong không hề rẻ (khoảng 90.000 đồng/giờ, 190.000 đồng/ngày). Nếu tính theo tháng, mức phí là 2,999 triệu đồng đối với chỗ ngồi linh hoạt và 3,999 triệu đồng với chỗ ngồi đặt riêng. Trong khi đó, chỗ ngồi cao cấp tính phí theo tháng là 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có dịch vụ văn phòng ảo dành cho công ty với mức phí 2,5 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, 350 chỗ làm việc cố định đã được “thuê”. Trung bình, 60-70 lượt người tới Toong để làm việc và kết nối hàng ngày.
“Mọi thứ tốt đẹp hơn dự tính rất nhiều”, Dương cười. Tốt vì Toong nhận được nhiều sự hưởng ứng, động viên của mọi người hơn tưởng tượng. Rất nhiều start-up nổi tiếng cũng đánh giá cao mô hình này. Nhưng cũng vì tốt quá, nhu cầu thuê chỗ ngồi cố định cao hơn dự tính nên phải thiết kế lại không gian, mở thêm phòng riêng. Decor cũ bị phá vỡ cũng có chút nuối tiếc. Nhưng quan trọng hơn cả là nó làm tăng chi phí đầu tư. Theo dự trù ban đầu, cả nhóm hùn vào nhau được 5 tỷ đồng để đầu tư...
Âu đó cũng là tín hiệu đầu tiên cho sự thành công cho Toong. Nhiều người biết tiếng, nên rất nhiều cuộc thảo luận nhóm được tổ chức tại đây. Cả Phó chủ tịch lẫn CEO lừng danh của Tập đoàn Google cũng đã có những buổi chia sẻ với cộng đồng start-up Việt tại Toong.
Hỏi về chuyện “hậu trường” làm sao để lôi kéo CEO của Google tới Toong, Dương vẫn chỉ cười và bảo mọi chuyện rất ngẫu nhiên. Khi Phó chủ tịch Google đến Việt Nam, họ chọn hai co-working tâm điểm ở Việt Nam là Toong ở Hà Nội và Dreamplex trong TP.HCM. Sau này, khi CEO Google Sundar Pichai sang Việt Nam, một lần nữa Toong được lựa chọn.
Mà lạ là, ban đầu Google dự tính quy mô của chương trình lên tới mấy trăm người, song khi nghe nói quy mô của Toong không đáp ứng đủ chỗ ngồi, họ vẫn quyết định tổ chức ở Toong và giảm số lượng khách mời xuống còn một nửa. Đủ thấy Toong gây ấn tượng thế nào với Google. Cũng từ đó, danh tiếng của Toong thêm nổi.
3. 
Đỗ Sơn Dương năm nay mới 33 tuổi. Nếu có search thông tin trên mạng, sẽ dễ dàng biết Dương từng làm giám đốc kinh doanh của Richard Moore tại Việt Nam. Hẳn nhiên đó là vị trí mang lại cho Dương mức lương “khủng”, vậy nhưng cuối cùng, Dương đã quyết định dời bỏ vị trí mà nhiều người mơ ước ấy để khởi nghiệp với Toong.
Mà hình như Dương chưa ở chỗ làm việc nào quá lâu. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Đại học Fontys (Hà Lan) về, chàng trai đất cảng Hải Phòng quyết định đầu quân cho hãng phim Galaxy với vị trí trưởng phòng marketing. 3 năm ở đấy, đang thành công và trở thành một gương mặt sáng giá trong truyền thông cho điện ảnh Việt Nam và thế giới, Dương quyết định đầu quân cho Richard Moore. Năng lượng sống tràn trề và sức sáng tạo không cho phép Dương hài lòng với những gì mà mình làm được. Dương quyết định khởi nghiệp, cùng với nhóm đồng sáng lập của mình.
Thực ra, trong danh sách các đơn vị mà Dương từng trải qua, còn có Apollo, LanguageLink... Qua mỗi vị trí là một lần Dương học hỏi thêm kinh nghiệm để nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân, và cũng là kinh nghiệm để sau này tại Toong, Dương có thể kết nối và chia sẻ với các thành viên của mình, khiến họ thích thú và tìm đến Toong nhiều hơn.
Biết tính Dương đã quyết là làm nên lúc dời bỏ Richard Moore, không ai trong gia đình ngăn cản cả. “Tính tôi là vậy, càng thách thức càng muốn làm. Tôi luôn muốn tìm đến những cái mới, đơn giản thì không muốn làm. Và thực sự là nếu đơn giản thì đã không đến lượt mình”, Dương cười.
Lúc Dương đầu quân cho Galaxy, bạn bè nhiều người cũng cho Dương gàn dở, vì học ở nước ngoài về mà lại đâm đầu vào lĩnh vực mới như thế, nhưng với Dương - mới chính là thách thức. Lúc sang Richard Moore cũng tuyên bố với lãnh đạo Galaxy rằng, ra đi bởi ở đó không còn thách thức nữa. Khi ấy, Richard Moore là một thách thức mới, cũng giống như bây giờ, Toong đang là một thách thức, một niềm đam mê mới.
“Cũng không loại trừ” - Dương cười vang khi trả lời câu hỏi “liệu có chuyện vài năm nữa, Toong cũng không còn là thách thức, Dương có bán đi để tìm kiếm một cái mới hơn?”. Nhưng đấy là chuyện sau này, còn hiện tại, Dương vẫn đang đam mê với mục tiêu mở được một chuỗi các co-working space chuyên nghiệp tại Việt Nam. “Chúng tôi đang muốn biến đổi mô hình này thành những thú vị hơn và khai thác hết giá trị của chuỗi các co-working sapace mang lại”, Dương nhiệt thành.
Lúc chia tay, Dương nói với chúng tôi rằng, cậu đã rất say sưa với mô hình co-working space We Work nổi tiếng toàn cầu, nên cũng tham vọng một ngày nào đó, Toong được như We Work, ít nhất là We Work của Việt Nam”. Nghe nói, còn đang có nhiều nhà đầu tư khác mong muốn được đầu tư vào Toong.
Nguyên Đức

CEO Nguyễn Hồng Lam: Muốn "đốt cháy" khách hàng, mình phải là ngọn lửa

Trải qua nhiều ngã rẽ trong cuộc đời, vị CEO của chuỗi 16 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu ô mai Hồng Lam luôn tâm niệm một triết lý kinh doanh: “Bạn cần là người tự hào nhất về những sản phẩm bạn làm ra và tự tin đáp ứng mọi mong muốn của người dùng.”
doanh nhân Nguyễn Hồng Lam
Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam
“Con sên không buồn khi nó phải bò từng bước thật chậm qua những con đường, vì nó biết rằng từng bước chậm chạp đã tạo cho nó cơ hội được thưởng thức cái đẹp của cây cỏ ven đường, ngắm hoàng hôn xuống núi và có thể trò chuyện với những loài vật bé nhỏ”.
Câu chuyện bước đi đến thành công của ông Nguyễn Hồng Lam cũng là vậy. Không phải ngủ dậy sau một đêm mà giỏi, không phải khởi nghiệp lần đầu là có thể thành công. Từng bước đi, từng ngã rẽ trong cuộc đời ông như những hàng rào, mà nhờ nó, hình thành ý chí rắn rỏi, tinh thần thép của người đàn ông làm chủ một nhà máy sản xuất ô mai tại Khu Công nghiệp Quang Minh, và một chuỗi 16 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu ô mai Hồng Lam.
Nếu được làm lại, ông vẫn muốn được trải qua tất cả, vẫn là những lần cố gắng vượt qua khó khăn, những lần thất bại và gây dựng lại từ đầu. Thời gian và sự thất bại đúc kết những kinh nghiệm, rèn luyện ý chí, và có thể là cơ hội chiêm nghiệm cuộc sống.
Ngã rẽ đầu tiên: Bộ đội lập nghiệp
Từ một người làm khoa học trở thành một người làm kinh doanh. Ông Lam lập cơ sở bán lẻ ô mai đầu tiên năm 1996, vào nghề năm 1991, không liên quan đến ngành học. Đầu tiên ông nhập ngũ, học tại Liên xô từ năm 75-81, Đại học tổng hợp Minkow, đến 81-91 ông làm tại Tổng cục chính trị, quân đội. Một đòn bẩy bé sẽ không thể tạo nên những thành công lớn, ông thấy môi trường quân đội không thích hợp và tự thấy mình có ích hơn khi làm việc bên ngoài. Ông quan niệm mình chỉ nợ tổ quốc và quân đội, xong nhiệm vụ với đất nước và quân đội, chất xám chảy về nhà và bắt tay xây dựng sự nghiệp riêng của mình.
Ngã rẽ thứ hai: Từ thất bại đi lên
Từng buôn tăm tre, trám khô, từng kinh doanh tiền và đầu cơ máy bơm, từng buôn hàng hoa quả nông sản rồi mới chính thức bước vào nghiệp sản xuất chế biến nông sản, ông đã trải qua quá nhiều sóng gió để bước được đến ngày hôm nay. Đã từng thất bại 4-5 lần, đã từng mất hết tài sản và phải bắt đầu lại với âm 20 cây vàng. Ông đã rút ra cho mình 6 yếu tố kinh doanh:
Thứ nhất là buôn đường dài, vượt không gian, buôn chỗ rẻ, bán chỗ đắt, nhanh nhạy là điểm cần.
Thứ hai là đầu cơ, tức là vượt thời gian, mua lúc rẻ bán lúc khan. Đầu cơ mang lại sức mạnh lớn nếu ai biết kinh doanh tiền, và những sản phẩm có chu kỳ, ở đó thời gian là sức mạnh.
Thứ ba là sử dụng công nghệ tạo giá trị gia tăng, nếu đầu tư chất xám vào chuỗi hình thành sản phẩm, ấy là lúc tạo ra lợi nhuận lớn (50 %).
Thứ tư, khi tạo được thương hiệu, hay vòng cảm xúc xã hội, sự yêu quý của khách hàng sẽ đem lại giá trị n, được nhân lên rất nhiều lần. Marketing, truyền thông là công cụ tạo nên giá trị gia tăng.  
Thứ năm, tạo ra xu thế xã hội sẽ trở thành sức mạnh cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, nếu chúng ta đem xu thế gắn với sức mạnh hành chính sẽ tạo nên những văn hoá kinh doanh, văn hoá khởi nghiệp. Không quan trọng đó là sản phẩm gì nhưng biết thổi hồn cho nó sẽ tạo ra giá trị.
Từ thất bại sẽ không thể đi lên, nếu như thiếu sự tự tin và sự tự hào về khả năng của mình. Chính bạn cần là người tự hào nhất về những sản phẩm bạn làm ra và tự tin bạn có thể đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dùng. “Muốn đốt cháy khách hàng, mình phải là ngọn lửa”, mình cần sự say mê có thể thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình.
Ngã rẽ thứ ba: Biết cách đi thẳng
Một người khi đã trải qua quá nhiều ngành nghề, sẽ dễ không biết điểm dừng ở đâu, mình đứng đâu để đi tiếp là phù hợp, hay vẫn cứ là một vòng lặp nhảy việc, nhảy nghề. Khi ấy, một cú hích cần thiết sẽ là kim chỉ nam cho những định hướng tiếp theo. Lúc người Trung Quốc mua trám khô, thấy môi trường Việt Nam rất phù hợp cho hoa quả, những lần đầu cơ tích trữ long nhãn hay buôn hoa quả khô với vợ đã khiến ông quyết định bắt đầu làm ô mai bằng chính đôi bàn tay của mình. Năm 1992- 1993, đã đánh dấu bước chuyển hướng chính xác và đúng đắn được thể hiện bằng thương hiệu Hồng Lam bây giờ. Con đường thẳng ấy cũng có lúc chông gai, nhưng từng bước xây từng viên gạch khiến nó vô cùng vững chắc và một tương lai gần con đường ấy sẽ đi xa hơn.
Ngã rẽ thứ tư: Thay đổi để thành công
Ông Lam là một người luôn học hỏi, ông rất chăm chỉ tham gia các lớp học về quản trị, marketing, truyền thông, có thể kể đến như lớp Giám đốc chuyên nghiệp khoá 1 (Đại học Kinh tế quốc dân ), Khoá CEO của IDP, Trung tâm nguồn nhân lực Việt Nhật... Ông hiểu rõ cần phải có marketing, công nghiệp hoá, sản phẩm cổ truyền sử dụng công nghệ hiện đại. Những bài học đấy đền được “Hồng Lam hoá” và giảng dạy cho mọi người ở trong công ty. Câu chuyện ông Lam chia sẻ về marketing rất thuyết phục, mỗi một nét văn hoá trong các ứng xử của Hồng Lam đều được suy nghĩ từ vị trí của người tiêu dùng, nghĩ cho người tiêu dùng.
Ngoài những chia sẻ về chuyện đời chuyện nghề, chuyện khởi nghiệp, ông còn không ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay cách thức tuyển dụng người tài cho công ty, xây dựng sức mạnh mềm (cách thức lan toả kiến thức và kinh nghiệm), kỹ năng lãnh đạo - không chỉ là một người sếp mà còn là người thầy và những lời khuyên thực sự hữu ích cho các bạn startup tham gia chương trình….
Câu chuyện khởi nghiệp là những câu chuyện luôn mang lại cảm hứng, nó có thể thổi bùng ngọn lửa đam mê kinh doanh của các bạn trẻ hoặc cũng có thể là phép thử cho những ai chưa đủ quyết tâm vượt qua những khó khăn có thể lường trước được. Nếu bạn đủ nhiệt, đủ tình trong từng bước đi và từng ngã rẽ, hãy cứ tự tin. Đừng để ý tưởng chết khi nó chưa được hình thành.
Bài viết được biên soạn dựa trên câu chuyện hơn 90 phút chia sẻ rất chân thành của ông Nguyễn Hồng Lam tại chương trình My Startup Journey, nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp của Vietnam Silicon Valley, được tổ chức định kỳ vào thứ Sáu hàng tuần tại VSV Corner, 24 - 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Thu Trang

Doanh nhân Nguyễn Như Sơn: Người thuyền trưởng "đánh chắc, tiến chắc"

Ông không chọn làm doanh nhân, nhưng cuộc đời đặt ông vào nghiệp kinh doanh để thoát đói nghèo. Sau 30 năm, một đại gia đình doanh nhân đã hình thành, viết nên câu chuyện đầy nhân văn về nghiệp kinh doanh của những người con đi lên từ đồng đất…
Từ chủ công nông… 
Tài sản đầu tiên của ông Nguyễn Như Sơn là một nửa… chiếc công nông. Hồi đó, người lính Nguyễn Như Sơn vừa trở về từ Phnompenh (Campuchia), sau khi hoàn thành nghĩa vụ của người lính quốc tế với nhân dân nước bạn, đối mặt ngay với cảnh đói nghèo ở quê nhà.
“Lúc đó, nhìn cảnh bố mẹ già, con thơ dại, bát cơm vơi, manh áo chưa lành, tôi biết mình phải lao vào mưu sinh, phải đủ ăn, đủ mặc, ít nhất là không để bố mẹ, con cái mình đói”, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như Sơn trầm ngâm khi kể về những ngày đầu lập nghiệp.
doanh nhân Nguyễn Như Sơn
Doanh nhân Nguyễn Như Sơn
Nhưng hồi đó, không dễ tìm ra việc, vì ở đâu cũng khó, vùng đất Thái Bình cũng vậy. Ông kể: “Tôi cứ đi quanh vùng, rồi chợt nhận ra, Thái Bình quê tôi lúa gạo nhiều, mà phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại thiếu. Chưa kể chăn nuôi đang phát triển mạnh. Nghĩ thế nhưng tiền không đủ. Tôi chung với người bạn mua chiếc công nông để chở đất, cát, phân bón, thóc gạo... lấy công làm lãi”.
Công việc tốt lên, nhu cầu tăng, ông huy động thêm tiền để tăng lượng hàng cung cấp. Bây giờ, nói về việc mua bán, vận chuyển hàng hóa là quá bình thường. Ngay như Công ty Lam Sơn có tháng hàng đi, hàng về cả trăm ngàn tấn nông sản, thóc gạo, phân bón…. Nhưng thời bao cấp, chỉ 30 tấn phân lân đã bị quy là "đầu cơ tích trữ". Ông Sơn lặng người lại khi nhớ lại lần “tai nạn nghề nghiệp”… Ông bảo, không bao giờ quên cột mốc mở đầu công cuộc đổi mới vào năm 1986 do Đảng khởi xướng đã  cởi trói cho nền kinh tế  và cho những người như ông.
“Cơ hội đầu tiên, vật chất nhỏ thôi, nhưng là tiền đề cho sự phát triển lớn lao ngày nay, đó là tôi được nhận theo “cơ chế khoán” một cửa hàng hợp tác xã để làm cơ sở xay xát, mua bán lương thực, phân bón cho bà con làng xã. Và từ đây, những ấp ủ làm ăn rộng ra đã bắt đầu được thực hiện, như thuê ô tô thu mua thóc gạo chở tới các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Hải Phòng… bán rồi mua lân, đạm về bán lại cho dân. Được tự do sản xuất, kinh doanh, nên làm ăn thuận lắm”, ông Sơn cởi mở.
Cũng vì là “con nhà quê”, nên ông hiểu tâm lý của người nông dân, một mớ rau, mẻ tôm dù ngon đến mấy, nhưng rẻ được một, hai hào cũng quý, nên ngay từ ngày đầu chập chững kinh doanh, ông coi cái lợi phải chia đều, cho cả bà con nông dân và của ông.
… đến ông chủ công ty đa ngành
Tiếng lành qua làng, qua sông, hàng hóa đi về ngày một tấp nập hơn, thêm đại lý thu mua thóc gạo và bán vật tư cho Lam Sơn. Việc nhiều, đến lúc phải mua thêm mấy chiếc ô tô để tự vận chuyển…
Mọi sự “tuần tự nhi tiến”. Đến năm 1996, Công ty TNHH Lam Sơn ra đời. Ông Sơn trở thành giám đốc một doanh nghiệp tư nhân với nền đế vững chắc, đủ để đáp ứng các nhu cầu ngày càng phát triển của vùng và cũng là thực hiện giấc mơ mà hơn chục năm trước, ông Sơn không nghĩ có thể làm được.
Rồi công ty từ làng ra… Quốc lộ 10 (Thái Bình – Hải Phòng), khi chủ trương phát triển cụm công nghiệp ra đời. Ông đầu tư nhà máy chế biến lương thực, mở thêm các hoạt động kinh doanh, quan hệ mở rộng ra các địa phương khác…
Thế nên mới có chuyện ông Giám đốc Nguyễn Như Sơn đi học bổ túc cấp 3, rồi làm sinh viên Đại học Luật. “Làm kinh doanh thì phải học nhiều. Trong kinh tế thị trường, kiến thức giúp tôi có các quyết định kinh doanh chắc chắn hơn”, ông Sơn chia sẻ.
Hiện tại, Lam Sơn đang phát triển theo 3 hướng với 4 công ty mới, 3 ngành nghề mới với sự tham gia của các con trai, gái, dâu, rể trong nhà. Ông điểm lại, đó là thành lập Công ty Vận tải Lam Sơn, xây dựng trung tâm đại tu sửa chữa cùng bãi đậu xe tại Cụm công nghiệp Xuân Quang, Thái Bình; mở chi nhánh, đầu tư kho bãi, đội xe, tàu hàng trăm chiếc ở cảng Đình Vũ, Hải Phòng, Công ty Đầu tư – Xây dựng Lam Sơn cùng với vợ chồng người con trai; rồi cùng vợ chồng người con gái thành lập Công ty cổ phần ABC Việt Nam; xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại tại tỉnh Hưng Yên; thành lập Công ty Phú Đạt; đầu tư hệ thống khách sạn, trong đó có khách sạn White Palace 3 sao ở TP. Thái Bình.
Ông Sơn cũng có dụng ý khi chia sẻ những thông tin trên. Ông nói, ông tâm đắc không chỉ về sự phát triển lớn mạnh của Công ty mà còn ở các mối liên hệ, liên kết giữa các thành viên cũng như các công ty trong đại gia đình Lam Sơn. Sự lớn mạnh của các công ty cũng chính là sự lớn mạnh, bền vững của đại gia đình ông. Đây chính là rường cột để Lam Sơn vững tin mở dần trận địa, từ khép kín, chỉ phục vụ nhu cầu nội bộ của công ty, hiện mở rộng phục vụ cho nhiều doanh nghiệp trên lĩnh vực vận tải, cung ứng nông sản... ở các nơi. Doanh thu, lợi nhuận ngày một rộng ra, lớn lên cùng với thương hiệu Lam Sơn. Năm 2015, Lam Sơn đạt mức doanh thu lên tới trên 3.500 tỷ đồng…
Chuyện của đại gia đình doanh nhân
Cho đến lúc này, gia đình ông Sơn toàn… doanh nhân. Vợ ông, người cùng chèo lái con thuyền Lam Sơn mấy chục năm qua, bà Nguyễn Thị Dung đang là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lam Sơn. 8 người con, gồm cả trai, gái, dâu, rể đều đang đảm nhiệm vị trí giám đốc, chủ tịch HĐTV, phó giám đốc các công ty thành viên. Bởi vậy, cả nhà họp… giao ban là thường xuyên.
Đại Gia đình doanh nhân Nguyễn Như Sơn
Đại Gia đình doanh nhân Nguyễn Như Sơn
Nhưng không dễ để các thành viên đều “tự chạy”, đảm bảo nguyên tắc “đánh chắc, tiến chắc, thắng chắc” của Chủ tịch Nguyễn Như Sơn.
“Nhiều khi khó tránh được nể nang hay ỷ lại khi cả nhà cùng làm trong công ty. Chính vì vậy, chúng tôi phải thiết lập mô hình công ty cổ phần theo đúng chuẩn mực. Các công ty thành viên đều độc lập. Vợ chồng tôi góp cổ phần chi phối. Các công ty liên kết với nhau theo đúng cơ chế thị trường, từ chất lượng, giá cả, mua ra mua, bán ra bán. Chỉ có phần ưu ái, tạo điều kiện về thị phần, công việc… cho nhau mà thôi”, ông Sơn nói.
Nghe kể, ông duy trì họp giao ban để nắm rõ hoạt động của từng công ty và cũng để các thành viên trao đổi cụ thể về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường... “Mọi người phải lắng nghe nhau, tham gia ý kiến. Cũng có cuộc đua ngầm giữa các thành viên trong gia đình, nhưng có cũng khi nghe thông tin của nhau để tự bình tâm, tránh các quyết định mang tính chủ quan, vồ vập”, ông Sơn chia sẻ bí quyết. Ông tin rằng, đây cũng là cơ hội để mọi người trong nhà hiểu biết nhau hơn, thâm tình hơn trong mối dây ruột thịt.
“Chúng tôi đã cố gắng dạy bảo và định hướng cho con cái ngay từ nhỏ về công việc của cha mẹ, nên các con đều chăm ngoan. Việc học cũng vậy, theo được những ngành học để tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ, như quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán... Trong số 8 người con, có 1 tiến sỹ, còn lại là thạc sỹ, cử nhân, đều đang quản lý tốt công ty của mình. Cho tới lúc này, tôi đã yên tâm, dần thảnh thơi hơn”, ông Sơn hồ hởi nhắc đến những người con đã trưởng thành và đang cùng ông vững vàng chèo lái đội tàu Lam Sơn thẳng tiến...
Mục tiêu kinh doanh của ông là gì?

Không phải là bao nhiêu ngàn tỷ mà phát triển bền vững, trường tồn mãi mãi. Chính vì vậy, các kế hoạch kinh doanh được xây dựng phải dựa trên cơ sở tiềm lực tài chính hiện có. Có đổi mới, có bứt phá nhưng phải luôn thận trọng, chắc chắn và nhiều phương án.

Bí quyết phát triển bền vững của ông là…

Khâu quản lý là hàng đầu làm đến đâu phải biết đến đó. Luôn lấy yếu tố con người làm trung tâm mọi hoạt động.

3 yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh của ông là gì?

Chất lượng tốt, giá thành hợp lý, phục vụ tốt nhất.

Ông lo lắng điều gì nhất?

Công ty bị đổ vỡ không làm lại được.

Ông quan tâm đến điều gì?

Sự học hành, rèn luyện của con cháu. Tôi rất mong muốn con cháu nối tiếp được truyền thống cha ông.
Lã Quý Hưng