- Công ty TNHH TCIE motor Việt Nam vừa khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô thương mại tại Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng (TP.Đà Nẵng).
Nhà máy xây dựng trên diện tích gần 13 ha chuyên lắp ráp các sản phẩm ôtô thương hiệu Nissan (Nhật Bản), có thiết bị dây chuyền nhập khẩu từ Nhật Bản và một số nước châu Á, với công suất dự kiến khoảng 500 xe khách loại từ 16 chỗ ngồi trở lên và 2.000 xe tải/năm.
Nhà máy có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 6 triệu USD và giai đoạn 2 (năm 2018) nâng lên 15 triệu USD.
Dự kiến giữa năm 2017 nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Không chỉ vậy, cách đây ít hôm, Chính phủ Nga và Việt Nam cũng ký kết nghị định thư về ôtô mở đường cho các hãng ôtô của Nga như Kamaz, Gaz, UAZ sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập liên doanh để sản xuất, lắp ráp ôtô tải, xe từ 10 chỗ trở lên và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời gian đầu, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò thị hiếu của thị trường. Ngoài ra, các linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô cũng được hưởng hạn ngạch miễn thuế trong vòng 5 năm. Nghị định thư sẽ chính thức có hiệu lực từ giữa năm 2016.
Hưởng lợi trực tiếp từ nghị định thư này là dòng xe tải, xe địa hình, xe từ 10 chỗ trở lên..., riêng đối với dòng xe tải, hiện xe Trung Quốc đang áp đảo tại thị trường Việt Nam.
Với việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tải tại Việt Nam như trên, giới chuyên gia nhìn nhận, không lâu nữa các dòng xe của Trung Quốc sẽ bị đánh bật khỏi thị trường Việt.
Được biết sau một thời gian bùng nổ, xe Trung Quốc rơi vào tình trạng... đắp chiếu. Tại bãi xe rộng chừng 1.000 m² của một công ty kinh doanh ô tô có mặt tiền trên quốc lộ 1A, quận 12, TP.HCM, lượng ô tô tải Trung Quốc có khoảng chục chiếc. Ông Phong, đại diện cơ sở này, than thở: “Trước đây mỗi tháng bán vài chục xe ô tô tải Trung Quốc nhưng hai tháng cuối năm 2015 chỉ bán được 1-2 xe. Riêng từ đầu tháng 1-2016 đến nay không bán được xe nào”.
Xe tải Trung Quốc được bày bán nhiều tại một đại lý ở TP.HCM. |
Cũng có mặt tiền ngay trên quốc lộ 1A, ông Trường Duy, đại diện của một đại lý chuyên kinh doanh ô tô Trung Quốc, cho hay từ tháng 12 đến giờ mới bán được có năm xe. Nhu cầu tiêu thụ xe Trung Quốc sau một thời gian tăng nóng đã bắt đầu hạ nhiệt.
Anh Duy cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do dự báo về sức tiêu thụ xe trên thị trường sai nên một số DN nhập khẩu ô tô đã ký hợp đồng nhập ô tô tải Trung Quốc với số lượng lớn hơn so với nhu cầu. “Nếu tình hình tiêu thụ bết bát như hiện nay, lượng xe tải Trung Quốc tồn đọng, không bán được ở một số đơn vị lên hàng trăm xe” - anh Duy dự báo.
Đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) phân tích hiện nay nhu cầu về xe tải, đặc biệt là xe tải lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc đang có dấu hiệu bão hòa. Một số công ty kinh doanh xe nhập khẩu đã phải giảm giá bán, khuyến mãi, hỗ trợ người mua xe. Thậm chí có DN còn bán dưới giá nhập khẩu để cắt lỗ.
Anh Võ Văn Phụng, Giám đốc một DN vận tải ở TP.HCM, đánh giá xe tải Trung Quốc giá rẻ nên phù hợp với những khách hàng mới mua xe lần đầu để kinh doanh, vì thời gian quay vòng vốn nhanh.
Tuy nhiên, xe Trung Quốc thường sử dụng chỉ khoảng 3-4 năm là bắt đầu hỏng hóc. Trong khi xe Nhật Bản, Hàn Quốc như Hino, Suzuki, Isuzu, Kia… thời gian sử dụng rất bền, khoảng 10 năm vẫn chạy êm và ít hỏng hóc, tiết kiệm nhiên liệu.
Ông Phụng nói: “Thêm nữa các tài xế đều nhận xét điều khiển xe Trung Quốc rất mệt người. Hơn nữa máy móc hay hỏng hóc, trục trặc, độ an toàn không cao”.
Đại diện một công ty nhập khẩu ô tô tiết lộ thêm từ đầu năm tới nay đã có hàng trăm xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc bị Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện không đạt tiêu chuẩn trong quá trình kiểm định (động cơ xe không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; thông số kỹ thuật của xe khác với trong hồ sơ; thậm chí cùng một lô xe nhưng thông số kỹ thuật lại khác nhau...). Không ít xe trong số đó đã bị yêu cầu tái xuất.
Chính vì vậy sau một thời gian sử dụng xe Trung Quốc, nhiều người “vỡ mộng” và chuyển sang mua xe lắp ráp trong nước như Thaco, Veam hoặc xe nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc. Đây có thể được xem là cơ hội cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thanh Giang (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét