Kiên nhẫn học hỏi và rút kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại, chủ các cơ sở kinh doanh những món hàng đặc sản đã kiếm được hàng tỷ đồng mỗi năm.
1. Cá kho làng Vũ Đại
Là món ăn nổi tiếng của làng Đại Hoàng (Hà Nam) và được thực khách ưa chuộng mỗi dịp Tết đến xuân về, nhưng thời gian đầu, những niêu cá được làm ra rất khiêm tốn về số lượng và chỉ bán cho người quen. Dần dần, nhờ hương vị độc đáo, món ăn này ngày càng được nhiều người biết đến, giúp cho không ít cơ sở kinh doanh thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Là một trong những đơn vị kinh doanh có tiếng, cơ sở cá kho Trần Luật không chỉ bán khắp cả nước mà còn được người Việt ở nước ngoài ưa chuộng.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Bá Nghiệp, chủ cơ sở cho hay, gia đình ông đã có truyền thống làm món này hàng chục năm về trước. Trong một lần tình cờ đi học tại Hà Nội, ông mang theo để ăn và mời một số bạn bè và giáo viên ăn cùng thì được khen ngon. Sau đó mọi người đặt hàng mua nên từ ông nảy ra ý tưởng kinh doanh. Tận dụng kiến thức về công nghệ thông tin đã học, ông Nghiệp quyết định áp dụng thương mại điện tử vào kinh doanh.
“Thời gian đầu chật vật lắm, nhận đơn đặt hàng thì đơn giản nhưng khâu giao nhận vô cùng phức tạp. Vì hàng không có chất bảo quản nên nếu vận chuyển trong thời gian dài rất dễ bị hỏng. Nhiều đơn hàng của tôi thời gian đầu mất trắng, phải trả lại tiền cho khách. Nhiều lúc tôi định dừng lại nhưng vì mong muốn mang đặc sản quê hương đi tới mọi vùng miền đã thôi thúc tôi phải tiếp tục”, ông Nghiệp bộc bạch.
Trước những khó khăn trên, ông Nghiệp bắt đầu lập kế hoạch tuyển đội ngũ giao hàng. Lựa chọn những người tin tưởng trung thực để làm cho mình. Đồng thời, lựa chọn vận chuyển hàng thông qua hàng không thay vì đường bộ như trước. Nhờ đó, từ một cơ sở chỉ bán được 257 sản phẩm, thì qua 2013, số sản phẩm bán ra tăng lên hơn 5.300 niêu và sang Tết Bính Thân 2016 số lượng dự tính lên tới 7.000 niêu. Giá một niêu dao động 400.000 đồng đến 1,2 triệu. Như vậy, doanh thu mỗi năm của cơ sở này đạt 25-30 tỷ đồng.
2. Gà đông tảo
Đây là một trong những đặc sản tiến Vua thời xưa vì thịt của chúng không chỉ thơm ngon mà còn có dáng đứng bệ vệ, cặp chân to xấu xí nhưng rất ấn tượng. Cũng chính từ những điểm này đã khiến anh Nguyễn Hữu Minh, ở quận 9, TP HCM bị “hút hồn”. Ban đầu, anh chỉ mua vài con về chơi và chiêm ngưỡng chứ không có ý định kinh doanh. Tới khi mang về nuôi, bạn bè hàng xóm gợi ý, nên anh nhập về bán vì nhiều người thích hàng độc, lạ nhưng không có điều kiện ra Bắc chọn hàng.
Sau khi vay mượn 400 triệu đồng từ bạn bè, anh mở trang trại rộng 1.000 m2 tại quận 9 (TP HCM) và tự mình ra Hưng Yên tuyển 50 con ưng ý nhất. Anh nuôi hết lứa này đến lứa khác nhưng chúng chết dần chết mòn vì dịch bệnh khiến toàn bộ vốn đầu tư mất trắng.
Không đành lòng bỏ cuộc, anh tiếp tục thử sức lần nữa, bỏ công sức ra tận Hưng Yên tìm tòi học hỏi kinh nghiệm. Mất khá lâu, anh mới phát hiện ra căn bệnh đường hô hấp ở giống gà này và bắt đầu xây dựng quy trình nuôi có hệ thống để phòng chống bệnh tật. Anh xây lại chuồng kiên cố, khoảng 2m2 cho 5 con gà (bao gồm 1 trống 4 mái) là vừa đủ. Để chuồng trại đảm bảo vệ sinh và ít bệnh tật, gà được nuôi trên trấu. Một tháng thay trấu một lần, một tuần 2 lần khử trùng chuồng trại bằng thuốc TH4. Ngoài ra, anh còn cho chúng uống văcxin phổi, tiêu chảy, nhỏ mắt, mũi bằng thuốc CRD (thuốc đặc trị viêm đường hô hấp)…
Mỗi tháng anh xuất chuồng 300-600 con gà thịt, giá dao động 300.000-400.000 đồng một kg. Thông thường một con nặng trên 4 kg nên doanh thu một tháng khoảng 300-500 triệu và lên đến hàng tỷ đồng trong dịp Tết.
2 năm trở lại đây, cứ vào dịp Tết, anh Minh cung ứng ra thị trường khoảng 2.000 con nhưng vẫn không đủ hàng. Mới đây anh cho biết vừa mở rộng trang trại rộng khoảng 2.000m2.
3. Nuôi heo rừng lai
Heo rừng là đặc sản tiêu thụ mạnh nhất vào dịp Tết. Nhiều người quan niệm ăn thịt heo rừng vào đầu năm mới sẽ mang lại nhiều may mắn nên ông Chánh ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) lên vùng cao mua con giống heo rừng hoang dã mang về lai với heo cỏ, nhân giống.
Thời gian đầu, vốn đầu tư eo hẹp nên gia đình ông chỉ đầu tư khoảng 40 triệu đồng mua 4 con heo rừng giống ở Củ Chi (TP HCM) và huyện vùng cao Sơn Hà. Do chưa quen môi trường nuôi nhốt, nhiều con heo rừng giống hoang dã có giá hàng chục triệu đồng sau vài ngày mua về ngã lăn chết sạch khiến hai vợ chồng lo lắng “mất ăn, mất ngủ”.
Thế nhưng, ông không bỏ cuộc giữa chừng mà tiếp tục vay mượn bạn bè, người thân lặn lội về huyện vùng cao Sơn Hà mua lại con giống, học hỏi thêm kỹ thuật về cải tiến lại chuồng trại từng bước nhân rộng đàn heo rừng lai thành công. Sau suốt hai năm chật vật, đến đầu năm 2007, lứa heo rừng lai nhân giống thành công đầu tiên ra đời (4 cái, 2 đực). Sau đó, từng đàn heo rừng lai nối tiếp nhau ra đời ở trang trại chăn nuôi của người nông dân này. Mỗi năm ông bán ra thị trường với số lượng lớn và thu hàng trăm triệu đồng. Tới nay mô hình kinh doanh của ông vẫn phát triển tốt và được nhiều hộ nông dân học hỏi và nhân rộng.
Theo ông Chánh, để heo rừng lai có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh thì phải tiêm phòng, tẩy giun sán định kỳ. Chuồng trại thông thoáng, đón được ánh nắng buổi sáng, không bị hắt nắng buổi chiều, tránh được mưa hắt từ phía tây và gió bấc lùa vào mùa rét. Lúc heo sinh nở làm ổ úm, có đèn để sưởi ấm khi nhiệt độ môi trường thấp.
Hồng Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét