Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Ca sĩ Lệ Thu: 3 lần đò và những nỗi đau chưa kể

Bài hát đưa danh ca Lệ Thu theo nghiệp diễn có tựa đề “Dang dở” để rồi như một sự báo hiệu cho con đường hạnh phúc không trọn vẹn khi trải qua 3 cuộc hôn nhân và một mối tình đẹp, cuối cùng câu trả lời vẫn là không cùng nhau đi trọn một con đường.
VietNamNet xin trích đăng bài của tác giả, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ đã viết về ca sĩ Lệ Thu trong cuốn "Thân phận và Hào quang" dưới sự cho phép của đơn vị phát hành Alpha books.
Bài hát đưa danh ca Lệ Thu theo nghiệp diễn có tựa đề “Dang dở” để rồi như một sự báo hiệu cho con đường hạnh phúc không trọn vẹn khi trải qua 3 cuộc hôn nhân và một mối tình đẹp, cuối cùng câu trả lời vẫn là không cùng nhau đi trọn một con đường.
Thế nên cuộc đời đã bù lại cho cô một sự nghiệp không phải ai cũng có được, để rồi 50 năm qua, giọng ca Lệ Thu khi cất lên vẫn luôn gọi được những niềm đồng cảm lớn. Lệ Thu như người kể chuyện tình, hầu hết là những cuộc tình không trọn vẹn, kể đắm say qua nhiều thế hệ. Và kể như độc thoại với chính mình.
Lệ Thu cho rằng cô là người biết làm chủ cảm xúc và diễn tả nó một cách tỉnh táo trong những ca khúc chứ không phải bị chi phối bởi những đổ vỡ đớn đau của cuộc đời. Có thể cô đúng khi tiếng hát Lệ Thu có trước những mất mát riêng tư của chính cô. Và những nỗi buồn bàng bạc ấy đã theo cô từ khi cô cất tiếng hát đầu đời đến hôm nay.
Nhưng người nghe cũng có cái lý của họ khi họ tìm thấy trong giọng hát Lệ Thu, có điều gì đó như ẩn ức, như còn muốn nói một bí mật nào đó dù người hát đã đẩy nỗi đau đến tột cùng trong từng nốt nhạc: Lòng cuồng điên vì nhớ ôi đâu người đâu ân tình cũ? Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa...
ca sĩ Lệ Thu, dang dở
Ca sĩ Lệ Thu thời trẻ
Sẽ không công bằng nếu đòi hỏi một nữ nghệ sĩ ở độ tuổi thất thập phải hát mãnh lực như Lệ Thu của 50 năm về trước. Tuy nhiên, giọng hát Lệ Thu của hôm nay vẫn là Lệ Thu của những tháng năm xưa, có chăng là những trải nghiệm xót xa của cả một đời nghệ sĩ đã ngấm vào, cho giọng hát đời hơn.
Anh hàng xóm đặc biệt và con đường ca hát
Vẫn có nhiều giai thoại kể lại rằng Lệ Thu là một người nổi tiếng nhút nhát và khờ khạo. Nếu quay ngược thời gian, một cô gái nhút nhát, khờ khạo, lại sinh ra trong một gia đình phong kiến mà lại thành ca sĩ, cũng thật khó hiểu, cô nhỉ?
Tôi cho rằng đó là cái nghiệp. Gia đình tôi, từ ông cậu đến ông anh, chú, bác đều hát hay và tôi hát chẳng là gì so với họ nhưng chắc họ không có cái nghiệp như tôi. Tôi được theo học đàn piano từ nhỏ, trong máu tôi âm nhạc đã ngấm vào.
Năm 1953, mẹ đưa tôi từ Hải Phòng vào Sài Gòn sinh sống. Ở gần nhà tôi có một ông thầy dạy ghi-ta, tôi có theo học và có hát, hàng xóm cứ xúm lại và khuyến khích tôi đi thi hát. Tôi chối đây đẩy: “Thôi thôi, hát tài tử thì được chứ đi thi thì không”. Tôi hỏi thêm mới biết đi thi còn phải nhìn vào một tấm gương để hát, tôi lại càng thấy mình không nên đi thi nữa vì rất sợ.
Cho đến khi có sinh nhật một người bạn, năm 1960, cả lũ kéo nhau lên phòng trà Bồng Lai, đang ăn uống vui vẻ thì có một đứa bạn bảo: “Ê, Oanh, mày hát cho tụi tao nghe một bài”. Lúc đó tôi chưa chuẩn bị bài gì, lại chưa bao giờ đứng trên sân khấu nên tôi từ chối.
Nhưng bạn bè đẩy quá, tôi lên hát bài Tà áo xanh của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (có tên gọi khác là bài Dang dở). Đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao tôi có thể hát bài hát đó để mở đầu cho sự nghiệp ca hát của mình.
Ông chủ phòng trà Bồng Lai đến khen: “Em hát được lắm, em có muốn đi hát không?”. Tôi trả lời: “Dạ thưa không!”. Ông nói: “Em hát hay quá, tại sao không đi trình diễn cho mọi người nghe?” “Dạ không, mẹ cháu không muốn cho cháu đi hát”. Ông ấy thuyết phục: “Em đi hát em vẫn có thể đi học được. Em không phải thức khuya, vì em đến đây hát lúc 9 giờ, 10 giờ em đã về rồi. Một tiếng đó, em có thể nói mẹ em đến nhà bạn học bài”.
Rồi ông đưa ra một số tiền, tôi thực sự choáng. Một cô bé đi uống ly đậu đỏ, một đồng còn phải xé đôi ra, thì có được một số tiền thế này quả là ngoài sức tưởng tượng. Tôi không nhớ là bao nhiêu nữa nhưng đối với nữ sinh lúc đó là cả một vấn đề. Nghĩ tới nghĩ lui, bạn bè ở đó cũng khuyến khích: “Đi đi Oanh, chắc mẹ không biết đâu”.
Như cô nói, thì con đường ca hát của cô được trải thảm đỏ ngay từ đầu. Nhưng thực tế hồi đó để một tên tuổi nổi lên đâu phải dễ, nhất là đang có những cái bóng quá lớn Thái Thanh, Mộc Lan, Hà Thanh, Bạch Yến, Thanh Thúy…?
Đúng là thập niên đó, các bậc đàn chị đình đám lắm. Nhưng hầu hết các chị hát giọng mũi, còn tôi hát giọng alto thật, đầy, rõ nên xuất hiện như một nhân tố lạ. Tôi thành một cô bé đi hia vạn dặm, nhưng cuộc sống vẫn không có nhiều sự thay đổi.
Tôi nhớ những ngày đầu khi trốn mẹ đi hát ở Bồng Lai, vừa hát vừa sợ. Dĩ nhiên, khi mẹ tôi biết được lại là do một anh hàng xóm. Anh vốn rất mê tôi nhưng không được đáp lại tình cảm, thế nên anh ta tố cáo với mẹ.
Mẹ tôi nổi giận đùng đùng nhưng vẫn cố nhẹ nhàng, gọi tôi đến: “Oanh, tại sao con lại làm như thế? Dòng họ nhà mình có ai làm thế đâu. Con không biết xướng ca là vô loài?” Tôi chỉ biết im lặng.
Và mẹ tôi cấm cửa, không cho tôi ra khỏi nhà vào ban đêm. Bốn ngày sau, ông chủ phòng trà Bồng Lai tìm đến thuyết phục mẹ tôi: “Bác ạ, nghề ca hát không phải xướng ca vô loài như hồi xưa. Bác không tin bác cứ đi với em đây lên phòng trà của con. Nếu bác thấy không được, thì cháu thôi không làm phiền bác nữa. Không ai đụng được đến em đâu. Em đứng trên bục em hát hay người ta vỗ tay, hát xong em về”.
Mẹ tôi nghe thấy hay hay thì cũng đi cho biết. Đến nghe, thấy con gái mình hát ca khúc Sayonara được vỗ tay nhiều quá và chả có “vô loài” gì cả, thế cụ cũng đã dần đổi ý. Rồi cụ hỏi: “Thế đi hát thế là… hát chơi à?”. Ông chủ bảo có lương, rồi đưa ra mức lương, cụ ngạc nhiên đến muốn té ngửa.
Nhân cô nói về mẹ, xin được hỏi, khi rời miền Bắc vào Sài Gòn, tại sao lại chỉ là hai mẹ con?
Đó là một câu chuyện dài. Cha tôi trước Cách mạng Tháng Tám làm một chức quan nhỏ ở Hải Phòng. Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền của bà vợ cả, phải chịu đựng đủ điều. Bà bắt mẹ tôi làm đủ thứ việc. Một sân thóc rộng mênh mông, giữa trưa nắng như đổ lửa, mẹ phải phơi, trở thóc, rồi thu dọn, quét sân từ trưa cho đến khi trời xế bóng. Rồi đủ thứ việc, chả bao giờ được nghỉ tay.
Mẹ sinh tám người con, cứ đến 3 tuổi là mất, chỉ duy nhất có tôi là sống. Năm 1953, khi mẹ tôi vào đây, bố tôi nói không đi vì ông tiếc của cải.
Năm 1954, một ngày nọ tôi đi học về, mẹ gọi tôi vào và chỉ nói một câu ngắn gọn: “Thầy con mất rồi!”. Từ đó mẹ sống lặng lẽ, không đi bước nữa. Và cũng từ đó tôi không hay tin tức gì ngoài đó nữa.
Hai mẹ con tôi sống ở chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng cũ.
Cuộc sống những ngày đó của mẹ con cô ở vùng đất mới như thế nào, thưa cô?
Cũng không đến nỗi nào, tuy không khá giả nhưng cũng không cơ cực. Dĩ nhiên tôi lại nhớ nhiều chuyện vui lắm. Tôi nhớ lúc 14 tuổi, đã có ngực, mà tôi hồn nhiên đi tắm mưa không mặc áo, cũng không mặc áo ngực.
Hàng xóm hàng phố đổ ra xem. Tôi không biết họ xem cái gì. Mãi sau tôi mới biết họ xem… mình, không biết là mình đang “triển lãm” cho họ xem. “Lộ hàng” mà mình đâu ý thức được.
Từ vụ đó nên anh hàng xóm mới mê cô đấy hả?
Tôi cũng không biết, nhưng hồi đó tôi xinh lắm. Anh hàng xóm nhà giàu, và có kiểu thương tôi khá đặc biệt. Mỗi lần anh ăn xong, có tráng miệng lúc trái na, lúc trái cam, lúc trái lê, anh không ăn, cứ để dành cho tôi, nhưng không dám đưa tận tay. Mỗi lần thấy tôi đi qua, anh quẳng cho tôi và tôi cũng hồn nhiên nhận.
Anh ấy và tôi học khác trường, 4 năm trời anh cứ đạp xe đạp đứng ngóng tôi trong những giờ ra chơi. Mặc dù chúng tôi chưa một lần nắm tay, chưa một lần đi cùng, cũng chưa bao giờ nói thương tôi mà đến bây giờ khi gặp lại, anh nói vẫn còn nhớ tôi. Nghe nói, cuộc sống riêng tư của anh ấy cũng không hạnh phúc lắm.
ca sĩ Lệ Thu, dang dở
Ca sĩ Lệ Thu 
Khờ khạo nên mất chồng
Từ một cô bé hồn nhiên tắm mưa để rồi thành ca sĩ nổi tiếng, cuộc đời của cô hẳn thay đổi nhiều lắm?
Mẹ tôi sợ có con gái trong nhà như một trái bom nổ chậm, lại theo ca hát nên mẹ sợ ế, và đặc biệt là sợ sa ngã. Tôi đi hát, có gặp một anh chàng không quân thích tôi, gia đình họ đến đặt vấn đề hỏi cưới, thế là mẹ “tống” tôi đi ngay.
Tôi lấy chồng khi chưa một lần nắm tay người khác giới, chưa bao giờ biết hôn, nên đời sống chăn gối tôi cứ như một… khúc gỗ. Người chồng thất vọng não nề về sự ngây thơ, thậm chí… đần độn như thế. Chỉ được 2 tháng, anh ấy không thể chịu đựng được nên anh quyết định bỏ.
Gia đình bên chồng lại là người Huế, anh lại là con cưng. Tôi thì không biết nấu ăn, không biết làm dâu, nên chắc chắn họ sẽ không hài lòng. Cuộc hôn nhân này không có con cái gì.
Tôi bị chồng bỏ mà vui, hí hửng về với mẹ. Mẹ tôi cũng không buồn vì mỗi lần lên thăm con cũng cảm nhận được cái cảnh cơm nguội canh nhạt ấy. Lạ lùng là bị chồng bỏ mà tôi không thấy đau khổ. Có lẽ vì tôi không yêu. Bởi nếu có một tình yêu đúng nghĩa thì bằng mọi cách tôi sẽ giữ lấy hạnh phúc của mình.
Không có tình yêu, dù bị “đuổi cổ” nhưng tôi hớn hở lắm. Sau này khi tôi hiểu ra, tôi biết cách xử sự và hiểu đời một chút, gặp lại, tôi xem anh ấy là bạn bè.
Chia tay chừng 5-7 năm, tôi gặp lại anh ấy một cách tình cờ khi tên tuổi tôi cũng đã nổi lắm rồi. Anh ấy cũng là một người hát rất hay, và cũng có đi hát như một đam mê.
Cuộc hôn nhân đầu tiên không thành như cô nói, là chưa có kinh nghiệm với đàn ông, chưa biết thế nào là yêu. Vậy với cuộc hôn nhân thứ hai thì sao?
Năm 1963 tôi đi bước nữa. Tôi gặp một người từ bên Pháp về đây chơi. Anh ấy ở Pháp từ nhỏ, đã có vợ có con bên đó nhưng về đây thấy tôi thì mê, và bỏ luôn vợ bên đó.
Mãi sau này tôi mới biết chuyện này chứ trước đó, nếu tôi biết anh ấy có vợ con rồi thì chẳng bao giờ tôi đến với anh ấy.
Sau một năm tìm hiểu chúng tôi tổ chức đám cưới. Gọi là rung cảm thực sự thì cũng chưa chắc, nhưng tôi nghĩ phải nên có một gia đình để yên thân yên phận, chẳng lẽ mình cứ đi hát hoài như thế sao?
Rồi hỏi, rồi cưới, rồi dang dở. Có thể người nghệ sĩ được ông trời ban cho thanh sắc, thì hạnh phúc gia đình phải bị trời lấy đi chăng?
Giữ hạnh phúc là do người và mất hạnh phúc cũng là do người đấy chứ, có phải do trời đâu cô!
Tôi từng tính bỏ hát để yên phận cơ mà. Anh ấy không phải là một người đàn ông của gia đình, đúng hơn không phải là người chung thủy. Anh đi chơi rất nhiều mà tôi thì không chịu nổi điều đó và cuối cùng tôi phải bỏ cảnh sống đó dù không cãi vã to tiếng.
7 năm một cuộc hôn nhân như thế, chúng tôi có hai đứa con gái.
Sống với một người chồng lăng nhăng khổ lắm. Sự hào hoa có sẵn, lăng nhăng có thừa, lại ảnh hưởng lối sống Tây hóa nữa, thì thật khủng khiếp đến mức nào. Tôi cứ cắn răng chịu một mình.
Có thể nếu tôi đủ bản lĩnh tôi đã giữ được chồng vì tôi có tiền, có danh, nhưng tôi không biết cách và cũng không muốn giữ. Tôi cũng không làm gì để chồng ghen. Cuộc chia tay không nặng nề nhưng cuộc sống với anh ấy thì nặng nề lắm. Nếu tôi kể ra thì sẽ đụng chạm đến một số người, nên tôi cũng tính sống để bụng chết mang theo mà thôi.
Thì cô cứ chia sẻ, ít nhất là cho mình nhẹ lòng…
Anh ấy dân Tây về, nhảy đẹp, đẹp trai, con nhà giàu, thì nhiều phụ nữ mê cũng bình thường. Tuy nhiên, thấy họ mê, anh ấy cũng… mê lại.
Ca sĩ L. một ca sĩ cùng thời với tôi và rất nổi tiếng, cua chồng tôi. Trong đời tôi ít biết ghen, thế nhưng tôi đã không thể chịu đựng được những gì diễn ra trước mắt, không đơn giản chỉ là những chuyện nam nữ thích nhau bình thường.
Tôi gần như phát điên giữa đêm. Đang đêm tôi phải tung mền xé quần xé áo chạy ra ngoài đường. Hai người giúp việc phải chạy theo trùm mền đưa về nhà. Đó là một cuộc hôn nhân bi thảm.
Ngỡ đã ngọt ngào, vẫn là cay đắng
Sau những cay đắng, hạnh phúc đã mỉm cười với cô khi nên duyên với một nhà báo. Nhưng rồi, cô đã bỏ hạnh phúc này để đi Mỹ, phải không?
Không phải thế. Năm 1969, chúng tôi gặp nhau nhưng đến năm 1974 mới chính thức tổ chức đám cưới tại nhà thờ. Cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm, chúng tôi có với nhau một đứa con gái, anh ấy cũng rất yêu thương, lo lắng cho tôi.
Hạnh phúc được thử thách qua những tháng ngày gian khổ, thế nên tôi hoàn toàn yên tâm đó là những gì ngọt ngào có được sau những cay đắng riêng tư. Chúng tôi mất nhau cũng vì lỗi của đàn ông.
Và khốn khổ cho tôi, tôi đi Mỹ thì ngay lập tức đã có một người phụ nữ khác vào nhà tôi sống với chồng tôi. Và lần nữa, tôi vẫn là người khờ khạo.
Nhưng xin lỗi cô, đổ vỡ trong hôn nhân cũng là một lẽ bình thường trong cuộc sống. Nhưng với cô, đổ vỡ nhiều mà vẫn khờ khạo liệu có… bình thường không?
Ở ngoài người ta đồn tôi là người đoan chính không ai đụng đến được tôi nhưng không phải vậy. Thật ra tôi là kẻ khờ khạo, không dám lăng nhăng, không phải vì tôi nổi tiếng nên sợ lăng nhăng thì người ta bêu riếu mình đâu.
Tôi không hề lãnh cảm, mà là khờ. Đến giờ, tôi chưa giải thích được sự khờ khạo đó.
Tôi cũng có một cuộc tình rất thắm thiết. Năm 1988 tôi gặp người đó, tôi mới biết rung động thật sự là gì, tình yêu đúng nghĩa là gì, nhưng tôi vẫn khờ khạo không giữ được tình yêu của mình.
Và từ đó tôi cũng chẳng yêu ai được nữa. Tính tôi vốn nhát và không bao giờ đi tán tỉnh hay giành giật đàn ông dù tôi có thích họ hoặc ước gì họ là người yêu của mình.
Cay đắng thế, sau này cô gặp lại những người đàn ông này, có thành bạn bè như người chồng đầu tiên? Họ bây giờ ra sao?
Cả ba người đàn ông đó giờ còn sống, kể cả anh hàng xóm si tình năm ấy, có người ở Mỹ, có người còn ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn là bạn và vẫn thăm nhau nếu có dịp.
Riêng người chồng thứ hai thì ở Việt Nam, về Việt Nam, thỉnh thoảng tôi có ghé thăm anh ấy. Và tôi đã hóa giải hết mọi chuyện trong quá khứ rồi. Những người làm tôi đau, thậm chí kẻ thù, tôi đều hóa giải để làm bạn.
Cái tính của tôi vốn vậy, vì có nuốt hận thù chỉ làm khổ mình thôi. Những người nào đi qua đời mình hay những gì mình trải qua đều là duyên, đều là ngộ. Những gì mình khổ, hay nó vướng bận vào đời mình và cuộc sống của mình, đều là nợ nhau cả và mình phải trả. Trả hết thì thôi.
Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!

Ca sĩ Thanh Lam: 'Tôi có lỗi với các con'

 - 25 năm thắp lửa yêu trong từng câu hát, không chiêu trò, không giả dối trong đời sống, ở bất cứ chân dung nào, Lam vẫn là Lam nhất dù đi kèm với từng đoạn đời là hạnh phúc hay đau khổ. Sự chân thành đã làm nên “Người đàn bà hát” bất chấp thời gian và cũng làm nên một “Người đàn bà yêu” bất chấp số phận.
VietnamNet xin trích đăng bài phỏng vấn Thanh Lam của tác giả Hoàng Nguyên Vũ trích trong cuốn sách 'Thân phận và Hào quang' vừa phát hành.
ca sĩ Thanh Lam, Thanh Lam,cuộc đời ca sĩ Thanh Lam, Thân phận và Hào quang

Không thể sống giả
Nhìn lại, giai đoạn Thanh Lam của những năm 18 đến 30 tuổi, cái thời chưa “phá phách”, đáng yêu, trong trẻo và đàn bà lắm. Giờ đối diện với một Lam bỏng cháy, nhiều khán giả yêu chị lại tìm về với hình bóng ngày cũ. Chị hiểu họ chứ?
Tôi nghĩ rằng, mỗi một giai đoạn tôi đi qua đều có những giá trị riêng. Từ 18 đến 28 tuổi là những năm tháng đặc biệt. Lúc đó, mọi thứ với âm nhạc còn đang rất mới, và khi đi biểu diễn mục tiêu không phải lợi nhuận gì lớn lao, nhưng khán giả rất nhiệt huyết.
Khi lao động nghệ thuật (tôi gọi là lao động, đối với những nghệ sĩ đích thực), với sự tự trọng của mình, ai cũng muốn vượt lên, không ai muốn mình tụt hậu. Nếu tụt hậu, thì bản thân người nghệ sĩ tự trọng cũng sẽ không muốn làm nữa.
Bao nhiêu năm qua tôi đi tìm sự thành công của một Thanh Lam trong đời thường và tôi nhận thấy rằng, để thành công như trên sân khấu, cũng phải có lửa trong đó. Bỏ lớp áo nghệ thuật để về làm những điều bình dị của một phụ nữ bình thường, mới thấy thời gian và cuộc sống thật đáng quý.
Hồi xưa tôi hát không hay bằng bây giờ vì bây giờ tiếng hát đi vào chiều sâu của sự cảm nhận, có những ẩn ý về triết lý sống, những thăng trầm của cuộc đời, những vui buồn được mất, khổ đau.
Tuy nhiên, nếu để tôi lấy lại được nét trong trẻo hay nhẹ nhõm như ngày xưa cũng khó. Nhưng Thanh Lam ở bất cứ giai đoạn nào, dù mang những sắc màu gì thì vẫn là Lam: chân thực và cháy hết mình. Cũng có thể, khán giả thường nghe ca sĩ bằng những rung cảm lẫn những định kiến.
Định kiến không hẳn đến từ cách hát, mà nhiều khi đến từ những sự “chưa khéo” của chị nữa, phải không nhỉ?
Nếu tôi khôn khéo theo cách của mọi người muốn, và cũng có thể nếu tôi chịu để ý, tôi sẽ làm được. Nhưng mọi chiêu trò chỉ dành cho những điều không thật, những thứ vô giá trị mà thôi.
Tôi sợ nhất trên đời là sự giả dối. Cho dù cái thật nó có cái thô ráp, mộc mạc, vụng về, gai góc, thì nó cũng đáng yêu gấp vạn lần sự giả dối dù trơn tru ngọt ngào. Tôi không có khả năng làm điều giả. Và không khuyến khích mọi người dùng “hàng giả”.
Tôi sống vừa với mình, đúng với mình, không làm gì để phải hổ thẹn. Cuộc sống có kiếp này, nghiệp kiếp trước, theo triết lý nhà Phật, nhưng với con người, thì kiếp này, ta cũng chỉ sống đúng có một lần trên đời. Tại sao mình không sống đúng là mình?
Lý lẽ đó, nhiều người vẫn dùng để bao biện cho những cảm xúc quá cá nhân, hoặc những cá tính thái quá…
Sống để mà phải bao biện, cũng là sống giả. Sống thật, cũng cần phân biệt, không vì thẳng thắn mà tôi cho phép mình thẳng một cách thô bạo. Với người văn minh, cái thật ở đây là sự trung thực được nuôi dưỡng bằng những gốc rễ văn hóa sống.
Quan trọng nhất của mọi giá trị sống chính là cảm xúc của mình trước đã. Mình phải hạnh phúc, phải dễ chịu, thì mình mới biết yêu thương và cho người khác hạnh phúc.
Tôi không thể giả dối để mang niềm vui cho người khác được. Thế nên, hãy sống đúng là mình, với cảm xúc của mình để ta có những cảm xúc thật, vui buồn thật, đau khổ thật, hạnh phúc thật.
Và trả giá, cũng rất thật?!
Đúng vậy. Không có cái gì trong cuộc sống mà ta không phải trả giá hết. Cũng như không một thứ gì đến dễ dàng và ở lại dễ dàng cả. Chọn một cái áo không vừa với mình, sống lúc nào cũng phải với, phải gò, phải quay cuồng, trăn trở, vật lộn với những ảo ảnh của đời sống. Nó không là vinh quang, cũng không là hạnh phúc đích thực. Đi qua mọi điều để thực hiện được hoài bão, thật đáng chứ, phải không?
Cũng đáng. Nhưng trả khá nhiều “lộ phí” cho hành trình sống vì hoài bão, cái cuối cùng mà chị muốn nhận, đó là điều gì?
Những giá trị thật của cuộc sống. Giá trị thật của tôi là những cảm xúc thật, lao động thật, cống hiến thật và yêu thương thật. Để được nhận thì bạn phải “cho” thôi. Cho ở đây không có nghĩa chỉ ở sự bao dung, mà còn cả những mất mát mà bạn biết trước sẽ phải có, để thẳng thắn đối diện với bản thân.
Tôi không phải là người nổi loạn mặc dù người ta nhìn thấy tôi là muốn gán cho hai chữ đó. Từ nhỏ, tôi là một người con ngoan. Điểm yếu nhất của tôi là si tình. Khi yêu, nếu gặp phải một tình yêu đúng thì tôi sẽ đi đúng hướng.
Ưu điểm của tôi là sự nhạy cảm, nó là điểm mạnh trong nghệ thuật nhưng lại là yếu điểm trong tình yêu, nó khiến tôi thành một người phụ nữ yếu đuối. Và đúng, trong đời tôi, tình yêu mới khiến tôi đi sai hướng và làm nên những biến động của cuộc đời mình.
Kẻ si tình thường chiều chuộng sự mất mát của mình bằng một lập luận duy nhất: tình yêu có lý lẽ riêng.
Tôi không thả trôi mình theo cảm xúc, mà là chọn cách đối diện. Nên dù có yếu đuối, có đau khổ tôi vẫn là người rất vững vàng. Hồi trẻ, tôi làm những điều táo bạo, dám đối đầu nhưng cuối cùng nhận ra nỗi đau là có thật và không ai có thể mạnh mẽ trước nó được.
Tôi gặp những sóng gió tình cảm, người ta nghĩ là không may nhưng tôi lại nhìn theo hướng tích cực rằng, đó chính là những thử thách của cuộc sống để mình trưởng thành hơn trong cuộc sống. Tôi biết trân quý hơn những giá trị mình có và đã nạp được rất nhiều dữ kiện, cảm xúc sống để sống hay hơn.
Hồi bố chị chưa mất, có lần tôi may mắn được cụ tâm sự: “Lam trông vậy nhưng lại rất khát khao một cuộc sống bình thường, mà số phận lại lái theo những chặng đời không bình thường…”
Đó là cái khác giữa tôi và bố mẹ. Làm sao tôi không có cuộc sống bình thường được? Nếu ta chịu lắng nghe mình và cuộc sống, thì vui buồn hay đau khổ, hạnh phúc thì đều là những trạng thái bình thường đấy chứ. Vui quá, sung sướng quá hoặc cứ chìm ngập trong u buồn năm này qua tháng khác mà không có lối thoát mới là bất ổn, bất bình thường.
Nếu tôi không có cuộc sống bình thường thì làm sao tôi giữ được phong độ trong sự nghiệp trước những đào thải khắt khe của thị trường? Ba tôi suy nghĩ về tôi bằng cuộc sống mà ông đang có, bằng sự che chở, bằng những chuẩn giá trị của thế hệ trước.
Thực ra, những giá trị đó có cũ bao giờ đâu!
Đúng. Nhưng bây giờ cuộc sống là một guồng chảy mạnh. Thế hệ ba mẹ dù cuộc sống có nhiều khó khăn, có thể trải qua xa cách bởi chiến tranh nhưng không chịu nhiều va đập như chúng tôi.
Dĩ nhiên, những gì đẹp nhất, giản dị nhất trong cuộc sống và tình yêu của ba mẹ tôi rất ngưỡng mộ. Tôi rất mê cảnh hai người già đi bên nhau, ông thì chống gậy, bà trễ nãi đi bên cạnh. Họ nhìn nhau một cách thân thuộc như không thể thiếu nhau như đôi tay, đôi chân, đôi mắt.
Hỏi tôi có muốn đạt một đích đến như vậy không, tôi muốn lắm chứ. Nếu tôi bình thường quá thì khó có thể có một Thanh Lam như bao năm qua trên sân khấu. Nhưng, nếu tôi bất bình thường, thì chắc chắn tôi cũng không thể ổn định được mọi mặt trong cuộc sống như bây giờ.
ca sĩ Thanh Lam, Thanh Lam,cuộc đời ca sĩ Thanh Lam, Thân phận và Hào quang

Tôi có lỗi với con
Sống bình thường theo lý lẽ của chị, nó có phần khác với việc trân trọng, và làm những điều bình dị, đơn giản trong cuộc sống?
5-6 năm nay tôi mới có cảm giác yêu quý và trân trọng những điều này. Lắng lại và đặc biệt là ý thức về sự cho và nhận, biết sống tâm linh hơn (không phải dị đoan), tôi mới thực sự thấy mình bình yên.
Đến một thời điểm nào đó với những chín muồi trong cảm xúc (có buồn vui và tổn thương), phụ nữ mới nhìn thấu mình. Có thể tôi hơi “ngược đãi” đời mình, nhưng nó không hề vô nghĩa. Nó là một hành trình để đi đến tôi của ngày hôm nay, biết trân trọng sự yên bình hơn.
Tuy nhiên, nếu để nhìn thẳng vào điều này, tôi trách mình ở chỗ, lẽ ra mình nên biết ngộ ra sớm hơn, thì tôi sẽ biết quý hơn tuổi trẻ của mình.
Vậy công thức “bình thường giản dị” trong cuộc sống của Thanh Lam bây giờ là như thế nào?
Là muốn cân bằng giữa công việc và gia đình. Tôi có ba con, một cháu giờ đang học thiết kế nội thất ở Úc, và hai đang theo học nhạc. Ở góc độ là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác, chắc chắn tôi có lỗi với con cái.
Bởi vì, nghề nghiệp không phải lúc nào cũng cho tôi một sự ổn định để dành thời gian cho con. Tôi luôn cố gắng để làm tròn bổn phận của người mẹ và là một người mẹ hết sức bình thường của những đứa con nhỏ bé. Và phải nỗ lực.
Phụ nữ thường dạy nhau những thủ thuật trong tình yêu nhưng tôi thấy điều đó không cần thiết. Ra xã hội mình đã phải chịu đựng biết bao nhiêu va đập, không phải ai cũng được nhìn thấy đời sống thực của mình, vậy thì hãy tha cho trái tim và đừng màu mè hay diễn trò với tình yêu nữa.
Sau những danh tiếng, tôi cũng mong mình là một phụ nữ bình thường, nấu cho chồng con một bữa ăn ngon. Bỏ lớp áo nghệ thuật để về khoác tấm áo tơ lụa của người phụ nữ gia đình, làm những điều bình dị của một phụ nữ bình thường, mới thấy thời gian và cuộc sống thật đáng quý. Tạo nên được những điều ấm cúng, là sự thành công trong đời sống.
Bao nhiêu năm qua tôi đi tìm những sự thành công của một Thanh Lam trong đời thường và tôi nhận thấy rằng, để thành công như trên sân khấu, cũng phải có lửa trong đó. Nấu một bữa ăn, bạn cũng phải có sự đam mê, sự đắm đuối mà quan trọng nhất, bạn phải biết bạn đang nấu cho ai ăn nữa.
Có dễ tin không, rằng Thanh Lam thích vào bếp nấu cho mọi người ăn?
Tôi khá đảm đang đấy. Và luôn sắp xếp để gia đình có những bữa ăn vui. Khi cuộc sống còn nghèo thì bữa ăn quan trọng lắm. Thèm ăn thèm uống. Nhưng bây giờ, nó là một sự chia sẻ, một buổi giao lưu về tinh thần.
Khi còn nghèo bữa ăn quan trọng, nhưng giàu lên nó lại càng quan trọng chứ. Bởi vì giờ người ta mất nhau cũng chỉ vì để bếp nguội lửa và không còn nhiều phụ nữ chịu vào bếp nấu nướng cho gia đình trừ… người giúp việc!
Nhắc đến đây tôi cũng nói với bạn là, nhà tôi không có người giúp việc, vì tất cả những việc vặt tôi đều tự làm. Tôi luôn cố gắng để nạp thêm những dữ kiện mới của cuộc sống. Người phụ nữ khi tân tiến trong suy nghĩ, thì cũng phải có những lối sống, quyết định phù hợp, đúng đắn với xã hội mình đang sống.
Nhưng về trong gia đình, tôi luôn cố gắng làm những điều bình thường. Lên sân khấu hay vào bếp, bạn cũng phải có sự yêu đối với những người mà mình hướng tới. Ngừng yêu, bạn làm điều gì cũng nhạt nhẽo. Mà Lam thì không bao giờ ngừng yêu.
Nhưng yêu đã thực sự trọn vẹn hay chưa, thì… chưa chắc?
Hồi còn trẻ, tôi từng yêu người khác hơn bản thân tôi. Có những lúc, đúng hơn là nhiều lúc, tôi không còn sống cho bản thân tôi mà tôi sống cho tình yêu của tôi. Như thế không phải là đúng.
Vì nếu sống vậy, mình sẽ phải tổn thương nhiều khi nhận những giá đắt cho các lựa chọn. Và rồi tôi nhận ra, mình phải công bằng với chính mình, tức là khi yêu ai cũng phải có sự tương tác. Vì nếu mình yêu người ta hơn yêu bản thân mình thì tình yêu đó cũng không phát triển bình thường được.
Là chị một thời ư - yêu người khác hơn yêu bản thân? Thế là người ta đã đổ oan cho chị, rằng một người đàn bà giàu năng lượng như chị, thường chỉ biết đến cảm xúc của mình mà không quan tâm lắm đến cảm xúc của người yêu mình?
Điều mà tôi thấy mình lạc hậu chính là sự không yêu bản thân mình lắm - trước đây. Hay đúng hơn, đôi khi tôi đã không quý trọng những điều bình thường hiện hữu của mình, để yêu một cách đau đớn. Và rồi tôi nhận thấy, mọi thăng trầm bể dâu thường bắt đầu bằng chính bản thân mình.
Khi tôi đi những chuyến du lịch Phật giáo, tôi mới hiểu được một phần nào đó, những điều mình đang có bây giờ, cũng là sự tu tập của rất nhiều kiếp trước mình đã được nhận. Sự khỏe mạnh, trí tuệ sáng, thuận lợi trong sự nghiệp và được làm những điều mình thích, sống với những cảm xúc thật là những may mắn không phải ai cũng có. Thế nên, tôi đã biết trân trọng hơn những điều mình có chứ không lãng phí hoặc ngược đãi nó như trước đây.
ca sĩ Thanh Lam, Thanh Lam,cuộc đời ca sĩ Thanh Lam, Thân phận và Hào quang

Thiêu cháy và sưởi ấm
Người ta thấy Thanh Lam ở mỗi thời điểm thường có mỗi chân dung khác nhau. Nhưng một chân dung không bao giờ khác được, đó là một ngọn lửa. Mà đã là lửa, thì hoặc sưởi ấm cho người khác, hoặc có thể thiêu đốt người ta.
Tôi là một người đàn bà vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ. Sự yếu đuối, nữ tính của mình là sự sưởi ấm. Nhưng sự mạnh mẽ là một ngọn lửa có thể đốt cháy một điều gì đó. Mà sự đốt cháy nhiều nhất, là đốt cháy chính nó.
Nhưng đốt cả đời, thì lãng phí lắm!
Không có gì lãng phí cả. Hạnh phúc lắm khi được là một ngọn lửa luôn cháy.
Thế nên, Lam trên sân khấu, nóng quá nên khó gần với khán giả (đôi lúc). Còn Lam trong đời thường, nóng quá, sẽ đẩy xa mọi người vì: lại gần tôi, bạn sẽ chết cháy?
(Cười). Và cuối cùng thì có đốt được ai đâu? Nói vậy thôi chứ tôi trong đời thường giản dị lắm. Tôi cảm ơn cuộc sống, vì sau một quãng đời rực cháy với những yêu thương nhen nhóm, ngọn lửa đó vẫn đủ sức làm ấm mình và những người tôi thương yêu chứ không phải xóa dấu tất cả bằng sự đốt của nó.
Quốc Trung vẫn ở lại với tôi như những người bạn dù không còn duyên vợ chồng, mà người bạn đó đã chấp nhận tôi hiện hữu như những gì tôi có. Và người đàn ông hiện tại, cho tôi được là Lam bình dị hơn.
Bạn bè tôi cũng vậy, dù không nhiều, nhưng đã yêu tôi đúng như tôi có, quý tôi đúng như tôi có, bằng những giản dị và chân thành chứ không màu mè khéo léo giả tạo. Mà thói đời thì thường là, người ta chỉ yêu một người khác theo yêu cầu của họ, hơn là yêu những thứ mà cái người đối diện với họ có.
Vậy Người đàn bà yêu của hôm nay hẳn khác Người đàn bà yêu của ngày trước nhiều lắm?
Hồi trẻ, tình yêu chiếm 80% đời sống của tôi. Giờ thì tôi biết chế ngự những khoảnh khắc của đời sống và cảm nhận được nhiều điều mà không chỉ có tình yêu với người đàn ông thì mới là tình yêu. Tình yêu giờ đây nó phải đặt đúng giá trị của riêng nó, có góc riêng và chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá trị đời sống mà tôi đang sống chứ không phải sự quyết định toàn bộ. Tất nhiên, nó vẫn là cái dây cương làm cho tôi cân bằng.
Một cái dây cương không thể cân bằng con ngựa, nếu như không có người cầm cương giỏi?
Đàn bà ngoài 40, phải dùng chính sự bình yên để kiểm soát mọi thứ, mà nhất là kiểm soát tình yêu. Người đàn ông tôi yêu và yêu tôi ở thời nào thì cũng phải yêu quý, trân trọng và chấp nhận được con người tôi như tôi có.
Trong tình yêu, tôi giản dị lắm. Phụ nữ thường dạy nhau những thủ thuật trong tình yêu nhưng tôi thấy điều đó không cần thiết. Ra xã hội mình đã phải chịu đựng biết bao nhiêu va đập, không phải ai cũng được nhìn thấy đời sống thực của mình, vậy thì hãy tha cho trái tim và đừng màu mè hay diễn trò với tình yêu nữa. Hãy sống thật với nhau, và hãy quý sự trung thực ở nhau.
Nhiều cặp vợ chồng cứ ngọt ngào với nhau nhưng chắc gì đã sống với nhau một cách trung thực? Cho dù khi chia tay một ai đó rồi, tôi vẫn giữ được những giá trị đẹp của mình trong con mắt và trái tim của những người đã từng yêu tôi.
Khi mất mát, người ta ít đọng lại những chân dung đẹp về nhau, thậm chí là hơn thua lời lẽ hay thù hận. Chắc chắn đấy. Đừng hành hạ nhau khi tình cảm không còn. Sống hết mình rồi, thì ra đi cũng phải đi cho nhẹ chứ! Nặng nề làm gì, lại thấy xấu mình hơn.
Đó là công thức dành cho cả hai người đã hết yêu. Chứ nếu một người dứt, một người còn tình cảm, thì đau hay gào thét cũng là điều dễ hiểu mà?
Tôi biết chứ. Con người mà, chẳng ai có thể ép mình phải thế này hay thế khác, và cũng có những điều tốt xấu - mà điều này thì vốn dĩ rất dễ bộc lộ khi tình yêu không còn. Nhưng, hãy sống tốt với tình yêu của mình. Tôi đã cố gắng dùng văn hóa của mình cũng như những giá trị của tình yêu, để giảm thiểu những cái xấu chẳng may nó trồi lên.
Nhưng với một người bình thường mà không phải Thanh Lam, nhất là khi người ta không trẻ bằng, đẹp bằng, cũng có thể không nổi tiếng bằng, thì họ sẽ hành động khác chị chứ?
Ngoài cuộc sống nghệ thuật, tôi bình thường hơn cả những gì bình thường. Và đương nhiên, cũng phải biết cách giữ tình yêu của mình như một người phụ nữ bình thường. Sự cư xử khác nhau không phải do bề ngoài hay danh tiếng, mà là văn hóa sống và văn hóa yêu.
Khi quyến rũ một người đàn ông, đừng lấy lý do rằng tôi là một nghệ sĩ hay là nổi tiếng này nọ, mà hãy là từ những điều bình thường nhất. Tuy nhiên, nếu người đàn ông trân quý những lao động nghệ thuật của tôi, thì đó chỉ là yếu tố cộng thêm. Nếu người đàn ông chỉ yêu những điều bình thường ở tôi mà không quan tâm đến nghệ thuật, thì cái mà tôi cần đó phải là một người đàn bà giản dị của đời thường.
Nếu là một phụ nữ bình thường, thì cũng sẽ phải đối diện với những nỗi lo bình thường của phụ nữ, như là: cái tuổi đuổi cái xuân, cái tuổi đuổi… ông chồng, chứ nhỉ?
Tất nhiên, người ta vẫn bảo “gái có thì”, chẳng đỡ nổi guồng quay của thời gian đâu. Nhưng đừng bi kịch hóa về phụ nữ như vậy. Họ sinh ra đâu phải chỉ để giữ chồng. Họ còn làm việc, còn tạo ra bao giá trị khác mà đàn ông phải hiểu điều này.
Phụ nữ ở mỗi lứa tuổi đều có những cái đẹp riêng. Nhất là những người phụ nữ có trí tuệ, khi họ già đi, họ vẫn giữ được cái thần thái của họ. Vẻ đẹp ở đây không còn là những đường nét mà là cái hồn, cái thần sắc, thì vẻ đẹp ấy vẫn có cái quyền lực của nó.
Khi trẻ, vẻ đẹp trong trẻo thì về già, vẻ đẹp của tinh thần, vẻ đẹp của quyền lực. Những lo toan thái quá nhiều khi biến phụ nữ mất đi cái quyền lực này. Quyền lực ở đây là một giá trị, của sự thành đạt, của sự an lạc, chứ không phải là sự phong tỏa hay chiếm đoạt. Sự quyến rũ của người phụ nữ có trí tuệ, có tâm hồn đẹp, luôn tỏa sáng.
Trời ơi, đàn ông giờ yêu bằng mắt nhiều hơn, đâu có nhiều phụ nữ may mắn gặp được người đàn ông yêu vẻ đẹp tâm hồn ở những “bà già” đâu chị!
Tuổi tác đâu quan trọng bằng sự quyến rũ đàn bà, nó là thứ vượt qua mọi tuổi tác. Vấn đề là, nếu người đàn ông nào chưa yêu phụ nữ bằng vẻ đẹp tâm hồn họ thì đó vẫn chưa thể được gọi là biết yêu.
....
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Thu Phương - Chồng cũ, chồng mới

Trích đăng bài phỏng vấn ca sĩ Thu Phương của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ trích trong cuốn sách "Thân phận và Hào quang" sắp được phát hành.
Thực ra cuộc ra đi của Thu Phương đến nay vẫn chưa hết ầm ĩ, không chỉ là câu chuyện của một người đàn bà bị dư luận cho là bỏ chồng, bỏ con, đạp đổ tất cả mà còn là câu chuyện làm mọi cách để ở lại Mỹ.
Rồi Thu Phương trở về. Mỗi lần về là một sự mới mẻ. Nhưng mỗi lần về, được điều gì đó cũng nhiều, và mất điều gì đó cũng không ít.
Thu Phương không giải thích gì ngoài nói về câu chuyện cuộc sống mới của cô và người chồng cũ khi hai người bỗng dưng trở thành hàng xóm. Và cũng lần đầu tiên, Thu Phương không né tránh bất cứ câu hỏi nào về cuộc hôn nhân với người đàn ông “đũa lệch” vốn để lại nhiều điều nghi hoặc.
Tôi chủ động và quyết định
ca sĩ Thu Phương, Thu Phương , Hoàng Nguyên Vũ, Thân phận và Hào quang, Huy MC, Dũng Taylor
Ca sĩ Thu Phương.
- Tôi còn nhớ hồi chị mới đi, mẹ của chồng cũ có trả lời trên báo rằng, rất nhớ và thương cô con dâu dù là người nổi tiếng nhưng vẫn chăm chỉ làm những công việc gia đình. Giờ này, chị có còn là Thu Phương của ngày đó nữa không?
- Tôi vẫn là tôi của ngày đó và cũng là lúc tôi được làm điều đó một cách trọn vẹn nhất. Câu nói đó của mẹ anh Huy, là một trong những lý do để tôi biết mình nên giữ điều gì, và cũng là những gì trong một góc trong ký ức của tôi được lưu giữ lại, để nhớ về ngày xưa bằng những gì đơn giản mà sâu nhất.
Khi được nghe những điều đó, tôi biết là mình được yêu nhiều hơn và biết mình đã trả giá như thế nào dù ở một góc bình dị nhất của những thứ mình đã sống.
- Mỗi lần trở về, chị có ghé thăm họ chứ?
- Lần đầu tiên tôi về Hà Nội, và đi chung cùng với anh Dũng, cũng ghé qua thăm bố mẹ, tiếc là không có thời gian để ăn chung với gia đình một bữa cơm. Bố mẹ anh Huy vẫn dành cho tôi những tình cảm như trước, như chưa có chuyện gì xảy ra cả.
Bố mẹ anh Huy vẫn không hề coi tôi như người khách. Sự tiếp đón cũng như ngồi nói chuyện để hỏi han những gì hiện giờ, vẫn hết sức gần gũi. Và tuyệt đối, không ai đề cập đến những gì đã qua, đó là điều tôi nghĩ không phải ai cũng làm được.
Thực tế như anh biết đó, sau bao nhiêu chuyện ầm ĩ, có những người người ta muốn chờ đợi gọi lại chuyện để mà mổ xẻ, muốn nói cho bõ tức hoặc là tìm ra một câu trả lời cho thỏa mãn, khi một thời gian dài tôi không có câu trả lời.
Nhưng ở đây, bố mẹ hoàn toàn không làm thế. Tôi thấy mình lại một lần nữa may mắn, bởi vì mình vẫn còn được sống trong không khí một gia đình với những người làm cha làm mẹ rất học thức, và rất tinh tế.
Đến bây giờ cũng vậy, mối quan hệ giữa gia đình mới của tôi với gia đình anh Huy, mọi người không ai đề cập đến những gì nhạy cảm. Anh Dũng cũng là người đàn ông sau này trong cuộc sống của tôi cũng hoàn toàn tôn trọng, vì ai cũng có những khoảng lặng riêng.
Sau này, khi tôi đón hai con đi qua Mỹ, từ lúc đó đến giờ khi quay trở lại, tôi cũng chỉ dừng lại ở Sài Gòn rồi bay ngược lại Mỹ ngay, không có cơ hội quay trở lại. Bản thân gia đình tôi ở Sài Gòn giờ cũng sang Mỹ định cư, thành ra lý do cũng như cơ hội gặp lại bố mẹ không nhiều.
Ở trong một nếp nhà như thế, người ta vẫn đặt dấu hỏi, tại sao Thu Phương lại lấy anh “Dũng đen”, một người hoàn toàn về hình thức không tương xứng với chị, đấy là chưa nói đến không tương xứng được như Huy MC…
Trong cuộc hôn nhân này, tôi không thể dùng chữ “duyên” nữa vì nếu như vậy sẽ “cũ” quá. Hẳn mọi người vẫn nghĩ tôi là người sống coi trọng hình thức.
Dĩ nhiên, nói là không coi trọng là không đúng. Nhưng, anh Dũng đâu đến nỗi… xấu xí, đàn ông to cao khỏe mạnh.
Tôi đến với anh Dũng bởi vì thứ nhất, anh Dũng là một người đàn ông thực sự, từ cách suy nghĩ đến cách cư xử. Đáng quý hơn, anh ấy là một người đàn ông của gia đình, là một người cha, một người chồng đúng nghĩa. Cái đó tôi cần. Cái đó có thể trong quá khứ anh Huy chưa đủ, và có thể cái đó những người khác không có.
- Có mâu thuẫn không, khi anh Dũng có nói với tôi, trước khi gặp chị, anh Dũng là một người không hề có ý định lập gia đình, không cần một người vợ. Nhưng điều đáng nói là, nhiều người bạn của anh Dũng đã “cảnh báo” với chị, anh Dũng là một người đàn ông rất… trăng hoa?
- Đúng là anh Dũng có suy nghĩ đó, và cũng có người nói với tôi điều như anh vừa nhắc. Nhưng cuộc đời tôi luôn có những bất ngờ mà chính tôi cũng không nghĩ sẽ lại như thế.
Sau câu chuyện công việc, chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều, có những đêm nói chuyện điện thoại đến 6 - 7 tiếng đồng hồ. Có thể đời sống của anh Dũng từ nhỏ là tự lập, rồi anh qua Mỹ, anh có mọi thứ, nên anh sống không cần đến một cuộc hôn nhân nào cả.
Đến khi anh Dũng nhận ra con người sống khao khát một cuộc sống gia đình ấm cúng, một người chồng có trách nhiệm và một người cha mẫu mực với các con như thế nào, thì mọi suy nghĩ của anh ấy dường như thay đổi. Một sự thay đổi ngoạn mục.
Trước khi chúng tôi đến với nhau, là lúc tôi đang đánh một ván bài lớn của cuộc đời, mà tôi phó mặc không biết mình sẽ thua hay là thắng, chỉ biết mình là người dũng cảm đánh nó. Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc.
Chính những điều đó khiến anh Dũng thấy rằng cái tôi cần là cái gì, đơn giản thôi, đó là một cuộc sống bình dị. Tôi sẵn sàng bỏ sự nghiệp ra làm thứ yếu để đi tìm hạnh phúc, như một người leo núi chỉ mong mình leo tới đỉnh. Nếu ngã giữa chừng, tôi vẫn tiếp tục leo.
Điều đó, cô bé Thu Phương 14 tuổi rời Hải Phòng lên Hà Nội cũng chỉ để đi tìm. Và ca sĩ Thu Phương rời Việt Nam để đi Mỹ, cũng là tìm nó. Để rồi khi thấy điều đó, chính anh Dũng cũng thay đổi suy nghĩ, rằng hôn nhân là thứ có thật, là sự hy sinh và bù đắp chứ không phải là cái gì đó không thật. Và thế là chúng tôi đến với nhau.
- Thực tế, nhiều người vẫn nghĩ chị lấy anh Dũng chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn chị rất khó khăn ở đất Mỹ. Để rồi hôn nhân như một sự cộng sinh, và mọi thứ trong cuộc sống gần như chị đều chịu sự điều khiển của chồng, vì một lẽ đơn giản là chị không thể làm khác?
- Suy nghĩ đó chỉ đúng có một chút thôi, khi anh Dũng đóng vai trò điều khiển, đó là điều khiển các con tôi để chúng có một tương lai rõ ràng. Điều làm tôi cảm động, anh Dũng nói, anh là một kỹ sư và anh hiểu được ở đất Mỹ học thức rất quan trọng nên anh muốn các con phải là những người có học thức, để các con có thể nắm bắt bất cứ mọi cơ hội trong cuộc sống của mình.
Trước khi đến với anh Dũng, giữa tôi và anh ấy là mối quan hệ giữa ca sĩ và ông bầu, một sự cộng sinh lạnh lùng. Tôi sòng phẳng đến mức khi đặt vấn đề mua nhà cho bố mẹ tôi ở Sài Gòn, tôi vay tiền anh Dũng để rồi đi hát trừ dần. Anh Dũng tôn trọng mọi quyết định đó.
Qua Mỹ, tôi khó khăn, và khó khăn nhất lúc đó là cái khó khăn của một người mẹ xác thì ở Mỹ, hồn thì ở Việt Nam và đau đớn khi xa con, anh Dũng đã hiểu và là người đứng sau để yểm trợ cho mọi quyết định của tôi. Giữa cái hiểu để chia sẻ, để chung tay khác với việc hiểu mà ra điều kiện. Anh Dũng là trường hợp thứ nhất.
- Tại sao mọi người không đặt câu hỏi: Lý do gì mà một người đàn ông đi lấy một người đã có hai đứa con, đó là những chiếc ba lô trên một hành trình rất nặng?
- Tôi chỉ nói đơn giản, khi đón hai con sang, nếu anh Dũng là người ích kỷ, anh sẽ có thể làm cho quy trình giấy tờ chậm lại, hoặc không bảo lãnh. Chỉ từ những công việc như thế thôi, nên có thể khẳng định con người anh ấy như thế nào.
Tôi nghĩ, anh Dũng nhìn thấy ở tôi những điều mà từ xưa đến giờ anh chưa thấy. Anh cũng hiểu được sự chịu đựng của tôi, và bắt đầu từ đó dẫn đến một tình yêu quá lớn. Anh sẵn sàng hy sinh mọi thứ và anh Dũng cũng có nói, anh sẵn sàng quên cả bản thân anh, miễn sao không thấy tôi khóc, chỉ muốn Phương hạnh phúc thôi.
Người ta chỉ nhìn anh Dũng bề ngoài, nhưng bên trong tuyệt vời hơn tất cả sự tưởng tượng. Tôi cũng khẳng định, mọi sự lựa chọn là của tôi, và tôi chủ động hết mọi thứ trong những lựa chọn về cuộc sống cũng như trong công việc, anh Dũng là người tôn trọng tất cả mọi quyết định của tôi, chứ không phải tôi là con rối của anh ấy.
Trong gia đình, anh ấy làm rất tốt vai trò của một người chồng, một người cha, để tôi cảm thấy yên tâm mình được đặt đúng vị trí của một người phụ nữ.
Để con không thấy có ba mẹ… riêng
ca sĩ Thu Phương, Thu Phương , Hoàng Nguyên Vũ, Thân phận và Hào quang, Huy MC, Dũng Taylor
Thu Phương và người chồng hiện tại Dũng Taylor.
- Chị nói, anh Dũng cho chị làm một người phụ nữ đúng nghĩa, và cho con chị một người cha mẫu mực. Thẳng thắn thế, chị không sợ làm tổn thương người hàng xóm, cũng là người chồng cũ của chị ư?
- Anh Huy cũng nhận ra điều đó, và chúng tôi đều hành xử vì cái chung: tương lai của các con. Việc một ngày chúng tôi ngồi lại để giải quyết những vấn đề con cái như những người bạn, là một điều tôi chưa từng được chuẩn bị và tôi không bao giờ ngờ tới.
Điều may mắn của tôi là anh Dũng hoàn toàn không có khái niệm con riêng con chung. Anh Dũng làm tất cả những gì có thể được miễn sao tôi hạnh phúc.
Anh muốn bù đắp những gì tôi mất mát trong 5 năm nên khi hai đứa trẻ đến, anh yêu thương gần như hơi quá, cũng làm cho hai đứa trẻ quá tải tình thương. Thế nên phải căn chỉnh làm sao để vừa là yêu thương, vừa là dạy dỗ, vừa để các cháu biết được khuôn khổ.
Chuyện với anh Huy, anh Dũng tương đối tế nhị, nhưng lại rất chân thành. Trước đây khi mọi chuyện mới xảy ra, anh Huy chẳng thèm nói chuyện với anh Dũng. Thẳng thắn mà nói, với sự chân thành của anh Dũng, anh Huy cũng nhận ra có những việc lẽ ra là của anh Huy, nhưng trước đây anh Huy đã không làm.
Và rồi khi biết anh Dũng đón các con sang, hai người đã nói chuyện, hiểu nhau để rồi từ đó chúng tôi là những người bạn, cùng nhau lo cho các con.
Việc của chúng tôi là, làm cho con cảm thấy chúng có thêm một ông bố và một bà mẹ đúng nghĩa, chứ không phải cho con trẻ cái cảm giác so đo về bố nào bố đẻ bố nào bố không đẻ.
- Vậy anh Dũng đã làm gì, để các con thấy được điều đó?
- Như tôi đã nói, một người mẹ có thêm hai đứa con, như là người vác hai cái ba lô quá nặng. Anh Dũng không phải là người nâng giùm vác hộ, mà là người mở những cái ba lô đó ra, xem ngăn nào của bố, ngăn nào của mẹ. Ngăn của mẹ là giáo dục đạo đức và những cách ứng xử Á Đông, để con không quên nguồn cội. Anh Dũng chuẩn bị những tri thức, kiến thức cần thiết cho con hòa nhập.
Đối với cá nhân tôi, tôi thấy khả năng của mình tương đối hạn hẹp vì mình sống ở nước ngoài chưa được bao lâu để thấy mình đủ văn hóa để nói chuyện với con. Mỗi ngày tụi nhỏ phát triển rất là nhanh và cập nhật cuộc sống cũng nhanh không kém.
Tôi phải cố gắng để các con có được một đời sống tinh thần đầy đủ. Tất cả những gì xa hơn nữa, về kiến thức, định hướng… tất cả tôi trông chờ vào anh Dũng, người cần thiết trong cuộc sống của tôi và những đứa trẻ. Điểm cô giáo gửi về thấp, hay trường có vấn đề gì, hay đi học trễ, là anh Dũng phải sinh hoạt rõ ràng. Mỗi ngày anh Dũng giao, truyền hình không được xem quá hai tiếng, làm đủ bài. Nó biết hết.
Anh Dũng có nhiều sự đòi hỏi, ví dụ anh cũng muốn thể hiện những thành quả của mình, vì anh đang nuôi dưỡng hai đứa trẻ không do mình sinh ra, như một người trồng cây, nên anh luôn chăm bón, săn sóc miễn sao nó đơm hoa kết trái được tốt.
Các con không phải có căn bản ở nước ngoài nên rất khó, nhưng anh chăm lo mỗi ngày để làm sao cháu có thể phát huy được bản thân đối với môi trường nước Mỹ, mà vẫn giữ được tình cảm cha con đúng nghĩa để các cháu không phải suy nghĩ: đây không phải là cha đẻ ra mình.
Nhưng nói chung, hai đứa trẻ cũng luôn muốn học hỏi và lắng nghe, đó là công của anh Dũng.
- Chị có bao giờ nghĩ, khi anh Dũng thương và lo cho các con quá, sẽ phần nào làm mờ hình ảnh người cha đẻ trong suy nghĩ của các cháu?
- Nói công bằng là các con tôi gần gũi anh Dũng nhiều hơn cha đẻ của nó. Hồi còn ở Việt Nam, các con háo hức sang Mỹ để được gặp “ông Tây” và thương “ông Tây” lắm, khi mỗi lần chúng gặp “ông Tây” ở Thái Lan.
Đứa trẻ nó cũng có cách cảm nhận của nó và nó sẽ lớn lên, nhận thức sẽ thay đổi. Cái chính là người lớn phải làm sao để đứa trẻ sống đúng.
Dù lần đầu làm cha nhưng anh Dũng rất có kinh nghiệm trong giáo dục trẻ con.
Anh Dũng từng nói với tôi, tình thương dành cho các con phải công bằng, không có chuyện thiên vị. Và phải để các con thấy bố mẹ là chung, nên không có chuyện cái gì không xin được Daddy (anh Dũng), thì sang xin bố Huy.
Ví dụ như bé Hải, năm 16 tuổi, nó biết bố Huy chiều nó, nên nó dùng cái đó như lợi thế. Nó đòi anh Dũng mua cho nó ba cái bông mũ ba màu khác nhau, anh Dũng hỏi tại sao, nó nói một cái con chơi, hai cái con cho hai đứa bạn. Anh nói, anh mua cho con một cái chứ không mua cho hai đứa bạn được. Nếu con muốn, con lấy tiền lương mà mỗi tuần anh cho con, con mua cho hai đứa bạn.
Thế là nó đi tìm bố Huy của nó để xin hai cái kia. Sau đó, anh Dũng với anh Huy sẽ phải làm việc chặt chẽ với nhau để nó thấy không phải cái gì không xin được Daddy thì sẽ xin bố Huy.
- Qua bao biến cố, dù mọi chuyện có là những kết thúc có hậu nhưng khi sống cạnh nhau, lại cùng chung tay giải quyết vấn đề con cái hẳn sẽ không tránh được những cái giật mình sót lại từ quá khứ của chị và anh Huy. Điều đó chị có sợ rằng nếu mình không cẩn thận, mọi thứ sẽ rối tung?
- Mọi chuyện giờ thật bình thản và mọi người hoàn toàn tôn trọng cuộc sống của nhau và có ý thức xây dựng. Người lớn hoàn toàn đủ văn minh, đủ văn hóa để hiểu.
Đối với những cặp vợ chồng có những bất cập trong hôn nhân khi ở cạnh nhau, cũng là một thử thách lớn. Và việc của những đứa trẻ quả là một bài toán khó, chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi, anh Dũng cũng như vợ chồng anh Huy đều có một suy nghĩ giống nhau: Người lớn, giải quyết những vấn đề của người lớn. Còn với đứa trẻ, có một điều duy nhất là tình thương đối với chúng.
Hoàn toàn 4 người đều cho con một niềm hãnh diện với bạn bè là chúng có thêm một bố, một mẹ nữa. Để thấy rằng tình yêu của 4 người dành cho con không có gì khác nhau. Một người chúng gọi là Daddy, một người chúng gọi là bố, nó rất khác biệt.
Và chúng luôn biết, những điều nói với bố không có nghĩa là daddy không biết vì giữa daddy và bố đều có những cuộc nói chuyện dẫn đến quyết định cuối cùng là chăm lo cho các con.
Anh Huy cũng không ngại khi anh Dũng chăm sóc, yêu thương con đến như thế. Dĩ nhiên anh Dũng cũng có cách nhìn nhận của anh rất riêng vì anh không sống ở môi trường văn hóa Việt Nam, lại là người chồng trong một cuộc hôn nhân tương đối nhạy cảm.
Con của chúng tôi không sống giữa hai luồng tình cảm, mà chỉ chung một luồng dù có đến hai ông bố và hai bà mẹ. Bổn phận của tôi hay những người lớn trong câu chuyện này là để đưa đứa trẻ đi đến một cái đích cần đến của nó bằng tình thương và trách nhiệm của tất cả mọi người. Quanh đi quẩn lại cũng là giá trị con người, mỗi ngày phải nỗ lực.
- Đến bây giờ, khi Thu Phương đã an phận, cũng không thể xóa được suy nghĩ rằng chị rất nổi loạn. Tóm lại, chị thuộc tuýp nào?
- Tôi không nghĩ mình là người nổi loạn mặc dù mình cá tính, thẳng thắn đến mức mất lòng. Tôi sống nghệ sĩ lắm, không toan tính đắn đo thiệt hơn. Nếu tôi ham hố danh vọng các thứ thì tôi đã không như ngày hôm nay.
Những gì tôi muốn, đều đặt giá trị gia đình và đạo đức hơn tất cả mọi thứ, cho đến giờ phút này điều tôi có được là một gia đình trong tay mình sau bao nhiêu biến cố tôi phải trải qua trong cuộc đời.
Tôi lựa chọn và tôi chịu trách nhiệm. Tôi đi tìm hạnh phúc cũng đồng hành với việc đi tìm sự bình yên. Tôi có mục đích sống rõ ràng và tôi cũng không phủ nhận, bên cạnh đó có rất nhiều hệ lụy, có nhiều nước mắt, có nhiều hy sinh.
Cái cuối cùng khi tôi thấy được, là điều mình muốn mình đã có được. Đó là giá trị hạnh phúc. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ bất cứ một cái gì nếu nó là của mình, nhất là giá trị thực sự của hạnh phúc.
Người đàn bà trong tôi sẽ an phận nếu như có được một giá trị đích thực. Và bây giờ, tôi có thể ngắn gọn, tôi an phận. Tôi phải cảm ơn những đổ vỡ vì giá trị tìm được sau những mất mát đó.
Hai đứa trẻ của chúng tôi hiện giờ dù hòa nhập rất nhanh nhưng lại rất Việt Nam, vì nó được sống trong môi trường gia đình. Anh Dũng sống ở nước ngoài rất lâu nhưng cá tính cũng như chiều hướng của anh, thì luôn nhìn về giá trị dân tộc.
Chúng tôi vẫn đi chùa, vẫn sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt nữa, chúng tôi gặp nhau ở một điểm lớn, gia đình là quan trọng nhất. Tôi vẫn đi chợ mỗi ngày dù lái xe đi chợ hết 40 phút lái xe cả đi lẫn về. Chúng tôi vẫn nấu ăn mỗi ngày và bắt buộc phải có bữa cơm gia đình.
"Thân phận và Hào quang" là cuốn sách mới xuất bản của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ. Đây là cuốn sách hé lộ góc khuất cuộc đời của những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam.
Hoàng Nguyên Vũ đặt những câu hỏi sắc sảo, đôi khi phê phán, và luôn xoáy thẳng vào những góc khuất của người mình gặp. Nhưng đồng thời, những câu hỏi của Vũ, cách anh khai thác câu chuyện, rất có tình, thể hiện sự cảm thông với người đang chia sẻ với thế giới bên ngoài nỗi buồn, thậm chí bất hạnh của họ. Kết quả là người đọc cảm nhận những ngôi sao tươi sáng trong “hào quang” ấy đều có “thân phận” mỏng manh giữa chốn nhân gian.

Trích "Thân phận và hào quang"

Theo Zing

Bất ngờ với em ruột xinh đẹp, giàu có của ca sĩ Thu Phương

Hoa khôi Kim Oanh em ruột ca sĩ Thu Phương đang rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh.
Kim Oanh (tên đầy đủ: Nguyễn Thị Kim Oanh) sinh năm 1975 tại Hải Phòng. Cô được nhiều người biết đến với tư cách em gái ruột của nữ ca sĩ Thu Phương cùng danh hiệu “Hoa khôi thể thao” năm 1993.
Thời chưa nổi tiếng, Kim Oanh thường xuyên theo chân anh, chị ruột đi biểu diễn ở các tụ điểm ca nhạc của đất Cảng. Sau này, cô không phát triển đam mê ca hát mà phụ giúp gia đình công việc kinh doanh riêng.
Tập aerobic từ năm 16 tuổi, năm 1993, Kim Oanh bất ngờ thử sức với cuộc thi “Hoa khôi thể thao” và đăng quang ngôi vị cao nhất.
Ca sĩ Thu Phương, Hoa khôi Kim Oanh
Kim Oanh cùng mẹ thời mới đăng quang "Hoa khôi thể thao".
Với chiến thắng ngoài sức mong đợi, Kim Oanh trở thành một trong số những người đẹp đầu tiên của Hải Phòng nắm giữ danh hiệu nhan sắc mang tầm cỡ quốc gia.
Tuy sở hữu ngoại hình nổi bật, tính cách nhanh nhẹn cùng danh hiệu cao quý, song Kim Oanh không ra nhập vào làng giải trí mà chọn cho mình con đường phát triển riêng biệt.
Trong suốt những năm “ở ẩn”, Kim Oanh theo mẹ học nấu ăn và dành thời gian trải nghiệm khi làm việc ở đơn vị liên doanh với nước ngoài.
Ca sĩ Thu Phương, Hoa khôi Kim Oanh
Ảnh gợi cảm hiếm hoi của Kim Oanh.
Đến năm 1998, Kim Oanh kết hôn với đạo diễn Trần Anh Dũng và chuyển hẳn vào TP. HCM lập nghiệp. Sau này cô thử sức với việc mở chuỗi nhà hàng mang thương hiệu riêng và đạt được thành công vang dội.
Năm 2014, Kim Oanh “tái xuất” truyền hình với vai trò giám khảo của một chương trình chuyên về nấu nướng.
Đây chính là dấu mốc giúp Kim Oanh khẳng định vai trò doanh nhân thành đạt và có sức ảnh hưởng nhất định.
Ca sĩ Thu Phương, Hoa khôi Kim Oanh
Qua thời gian, Kim Oanh vẫn giữ được nhan sắc xinh đẹp, sắc sảo.
Hiện tại, Kim Oanh đã bước sang tuổi 41. Song thời gian không khiến cho nhan sắc của mỹ nhân đình đám một thời có nhiều sự thay đổi.
Với điều kiện kinh tế ổn định, cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc của Kim Oanh đang là niềm ao ước của không ít người.
Ca sĩ Thu Phương, Hoa khôi Kim Oanh

Ca sĩ Thu Phương, Hoa khôi Kim Oanh
Hình ảnh Kim Oanh chụp chung cùng chị gái Thu Phương và anh trai Quang Minh.
Ca sĩ Thu Phương, Hoa khôi Kim Oanh
Khoảnh khắc Kim Oanh khoe giọng hát bên chị gái nổi tiếng.
Ca sĩ Thu Phương, Hoa khôi Kim Oanh

Ca sĩ Thu Phương, Hoa khôi Kim Oanh
Kim Oanh tự tin đọ sắc với hoa khôi Thu Hương trong một sự kiện diễn ra cách đây không lâu.
Theo Trí Thức Trẻ

Thu Phương: Hai lần đò và 9 lần nghĩ đến cái chết!

Hơn 40 tuổi,ca sĩ Thu Phương chìm nổi với nhiều đắng cay của đời sống. Người đàn bà hai lần đò với 4 đứa con đã từng 9 lần nghĩ đến cái chết... Thu Phương bảo không biết trước mắt còn "giông bão" nào sẽ ập đến với chị không nhưng nếu là định mệnh chị phải đương đầu và tìm cách vượt qua...
Sau những thăng trầm của đời sống, điều gì khiến chị lo sợ nhất lúc này? Giọng hát, nhan sắc, gia đình, con cái?
- Tất cả bạn ạ. Tôi lo lắng những điều ấy để cố gắng tốt hơn mỗi ngày. Nhưng tôi lạc quan để nghĩ rằng mình đã đi đủ xa, sống đủ hi sinh, đủ trải nghiệm để biết mình phải sống thế nào, hát thế nào khi chúng ta giọng không còn tốt, khi nhan sắc không còn. Tôi tin mình sẽ biết đặt mình đúng vị trí của mình nhất, khi ấy sẽ không có gì để lo sợ.
Thu Phương, Dũng Taylor, Tuấn Hưng, Bằng Kiều
Ca sĩ Thu Phương.
 Với những gì đã trải qua, người ta hay nói Thu Phương "có số thị phi" và gặp nhiều đau khổ. Nhưng xét cho cùng, chị cũng may mắn đấy chứ khi gặp được những người đàn ông yêu mình, bảo vệ mình, như Huy MC trước đây và bây giờ là Dũng Taylor?
- Đó là một sự may mắn như ý trời mà tôi nhận được. Nhưng một phần cũng do nỗ lực bản thân, tôi được nuôi dưỡng, được dạy dỗ để hiểu rằng ngoài công việc của một nghệ sĩ, tôi có bổn phận của một người mẹ, người vợ. Tôi biết cân bằng và cố gắng làm tốt tất cả trong khả năng có thể.
Còn gì hạnh phúc và may mắn hơn khi hai người đàn ông đã và đang đi cạnh mình đều coi mình là tất cả. Họ luôn sẵn sàng hi sinh chính bản thân họ cho mình, và vì thế, chỉ thấy tôi có được những điều tôi xứng đáng được hưởng họ đã thấy hạnh phúc.
Tôi là người mạnh mẽ, nhưng có những lúc rất yếu đuối, tôi ngồi một mình một góc để gặm nhấm nỗi đau của mình vì không nói được với ai. Lúc đó anh Dũng sẵn sàng ngồi bên để chia sẻ với tôi. Ngoài cuộc sống gia đình tôi cũng có những người đàn ông hiểu mình, đồng hành với mình trong âm nhạc. Tôi tin, những gì thuộc về mình thì mình sẽ có, nhưng phải vun đắp mỗi ngày.
Các con của chị đều kín tiếng, có phải chị muốn giấu con để tránh những soi mói của dư luận?
- Các con của tôi đều đàn hát rất hay, hoàn toàn có thể trở thành ca sĩ với hình ảnh đẹp nhưng chúng lại thích một môn khác, ví dụ như vẽ rất giỏi. Tôi không bao bọc, không giấu con, tôi chỉ nghĩ con cái không nên liên quan đến công việc của cha mẹ.
Nếu tôi ở Việt Nam, bây giờ các cháu cũng sẽ đàn hát, xuất hiện cùng bố mẹ trong các sự kiện giải trí. Nhưng đúng lúc sự nghiệp đang phát triển tôi ra đi và ở nước ngoài các cháu rất độc lập. Các con tôi yêu mẹ, nghe mẹ hát, biết hát, biết đàn nhưng lại muốn lựa chọn công việc riêng và khi 18 tuổi hoàn toàn quyết định điều ấy, bố mẹ chỉ góp ý để con vững vàng nhất.
Đã bao giờ chị nghĩ đến hai chữ "giá như"...
- Có chứ, rất nhiều. Tôi sinh ra ở Hải Phòng, lớn lên ở Hà Nội, được khán giả TP.HCM thương yêu rồi sau đó lại sang Mỹ. Chặng đường tôi đi lúc nào cũng chỉ có một mình, có những lúc tận cùng nhất, tôi cũng giải quyết một mình. Có những "giá như" là bởi quyết định của mình đã ảnh hưởng đến cả gia đình, con cái mình.
Nếu cho tôi quay trở lại, tôi có thể nói những quyết định làm tổn thương người khác là điều tôi suy nghĩ nhiều nhất. Tôi muốn mình sẽ làm cách khác, để nếu có đau thì tôi chịu một mình. Có nhiều giá như, vì thế cũng có nhiều phấn đấu để mình sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, đó là điều đúng và cần.
Thu Phương, Dũng Taylor, Tuấn Hưng, Bằng Kiều
Sự trở về của chị có cả đắng cay, buồn vui, khó khăn, như ở cuộc chơi Giọng hát Việt năm ngoái chẳng hạn. Liệu chị có dám tiếp tục trở về để ngồi vào vị trí nóng nữa không? - Cái gì cũng có thời điểm. Có những điều khủng khiếp mình nghĩ không thể trải qua cũng đã trải qua. Chuyện gì cũng chỉ trong một giai đoạn nhất định. Điều quan trọng mà mình có đủ suy nghĩ thấu đáo để nếu gặp những trở ngại tiếp theo, mình sẽ làm cách nào để vượt qua.
Tôi sẽ không né tránh, thà chủ động đối mặt với những khó khăn còn hơn là đẩy mình vào thế luôn luôn né tránh. Có điều, tôi luôn nghĩ, bất cứ lùm xùm nào trong sự trở về của mình cũng là do chúng ta chưa thực sự hiểu nhau, nói cho nhau biết mình đang nghĩ gì. Ai cũng sĩ diện, cũng có cái tôi.
Một nghệ sĩ thân thiết của chị từng chia sẻ rằng Thu Phương đã có lần muốn tìm đến cái chết?
- Đúng. Và không phải chỉ một lần, vài lần đấy bạn. Đó là những lúc tôi khó khăn vì chuyện riêng, không biết bấu víu vào ai, cảm thấy quá cô đơn. Những lúc như thế tôi chỉ nghĩ mặc kệ hết, biến mất khỏi cuộc đời này, không bao giờ phải nghĩ, phải đau khổ vì những nỗi đau ấy khủng khiếp như mình cảm nhận được.
Chị cụ thể đi, chính xác là khoảng bao nhiêu lần chị đã từng nghĩ đến cái chết?
- Tôi có hai mối quan hệ trong hôn nhân, có 4 người con và có 3 cuộc chuyển rời. Cộng tất cả những trắc trở ấy lại bạn sẽ biết con số là bao nhiêu rồi đấy... (cười). Chặng đường còn lại chưa biết còn khó khăn nào không?...
Thu Phương, Dũng Taylor, Tuấn Hưng, Bằng Kiều
Thu Phương cùng nhạc sĩ Dương Trường Giang, Hoàng Rob.
Làm sao và bằng cách nào chị vượt qua những đớn đau?- Để vượt qua những điều ấy, chỉ có một điều duy nhất là tôi nghĩ mình là một người mẹ, không có quyền quyết định số phận của mình theo cách mang lại nỗi đau quá nhiều cho gia đình, con cái, những người mình yêu thương.
Tôi có niềm tin. Và đúng là quả thật, đã khác. Khác đau hơn cũng có, vui hơn cũng có, nhưng cuối cùng cũng qua. Tôi găm vào đầu mình suy nghĩ, tôi còn tồn tại nghĩa là mọi thứ sẽ được giải quyết.
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
 Dự án "Nam Phương Hoàng Hậu" của ca sĩ Thu Phương sắp tới có sự tham gia của 150 diễn viên, được quay ở 4 bối cảnh chính: Hải Phòng - Hà Nội - Huế - Đà Lạt. Đây không phải là một sản phẩm thương mại mà là tâm huyết của ê kip cũng như ca sĩ Thu Phương, muốn tôn vinh giá trị văn hóa, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Dự án âm nhạc kỷ niệm 30 năm ca hát của Thu Phương. Theo đó, chị sẽ thể hiện 4 ca khúc của Việt Anh và Dương Trường Giang.
Sơn Hà

BÉ XOÀI ĐI CÔNG VIÊN VỚI MẸ: NGẮM CHIM BỒ CÂU ĂN MỒI

BÉ XOÀI ĐI CÔNG VIÊN VỚI MẸ: NGẮM CHIM BỒ CÂU ĂN MỒI